40 tuổi, chị Nguyễn Thị Tường Vi, đoàn viên Nghiệp đoàn (NĐ) Giúp việc nhà phường Tân Thành (quận Tân Phú, TP HCM), mới lần đầu tiên được cầm trên tay cuốn sổ BHXH. Đây là phần quà do LĐLĐ TP HCM, BHXH TP và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dành cho những lao động tự do như chị Vi, hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh lâu dài cho nhóm lao động yếu thế.
Đỡ lo khi về già
Chia sẻ với chúng tôi, chị Vi cho biết để nuôi sống gia đình, chị làm đủ mọi công việc, sau chị chuyển hẳn qua làm giúp việc nhà theo giờ. Thù lao cho mỗi giờ làm việc là 100.000 đồng. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập của chị cũng khoảng 5 triệu đồng/tháng, không cao nhưng biết gói ghém thì cuộc sống vẫn tạm đủ. Thế nhưng, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của chị rơi vào bế tắc vì không có việc làm, không thu nhập. Vì vậy, nhận được sổ BHXH tự nguyện (mức đóng là 1,5 triệu đồng trong thời gian 12 tháng) vào lúc này, chị như được tiếp thêm hy vọng. "Tham gia BHXH tự nguyện khi về già, tôi sẽ có lương hưu, không phải sống phụ thuộc con cháu. Tôi sẽ cố gắng dành dụm tiền để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện" - chị Vi cho hay.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP HCM, trao sổ BHXH tự nguyện cho đoàn viên các nghiệp đoàn. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Đó cũng là tâm trạng của anh Ngô Thanh Bình (49 tuổi), đoàn viên NĐ Xe ôm phường Tân Kỳ (quận Tân Phú, TP HCM), khi nhận được sổ BHXH tự nguyện. Trước đây anh làm công nhân (CN), có tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã nhận trợ cấp một lần khi nghỉ việc. Kể từ khi chạy xe ôm, anh không còn tham gia BHXH nữa nên rất lo lắng cho cuộc sống sau này. Suốt mấy tháng giãn cách xã hội, cả gia đình anh sống nhờ các khoản trợ cấp của nhà nước, quà của các nhà hảo tâm. "Được tiếp tục tham gia BHXH, tôi rất vui, sau này về già đỡ lo hơn" - anh Bình bộc bạch.
Được biết, với sự hỗ trợ của Vietcombank, LĐLĐ TP HCM phối hợp BHXH thành phố sẽ trao tặng 500 sổ BHXH tự nguyện với tổng kinh phí 2 tỉ đồng. Đối tượng nhận sổ là đoàn viên khó khăn của các NĐ trên địa bàn thành phố.
Ổn định cuộc sống người lao động
Một chương trình hỗ trợ khẩn cấp khác đang được các cấp CĐ TP HCM ráo riết thực hiện là "Chương trình trao tặng 200.000 túi an sinh của Tổng LĐLĐ Việt Nam đến đoàn viên, người lao động (NLĐ) khó khăn trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19".
Khởi động từ đầu tháng 10, chương trình với kinh phí 40 tỉ đồng được trích từ tài chính Công đoàn tích lũy tại LĐLĐ TP HCM đã nhanh chóng triển khai đến Công đoàn các quận, huyện, các KCX-KCN để hỗ trợ tức thời cho hàng trăm ngàn NLĐ. Túi an sinh gồm các nhu yếu phẩm đã giúp cho NLĐ vơi đi phần nào lo toan trong cuộc sống hằng ngày, nhất là giai đoạn sau giãn cách xã hội. Nhận được túi quà gồm mì sợi, cá hộp, dầu ăn, đường, bột nêm… từ LĐLĐ quận Gò Vấp, TP HCM trong ngày đầu trở lại nhà máy, chị Lê Diệu Ái, CN tại Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành, rất xúc động. Nghỉ việc nhiều tháng liền vì dịch bệnh, do không có thu nhập nên gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. "Không chỉ tôi mà nhiều anh chị em CN rất phấn khởi khi được trở lại làm việc. Càng vui hơn khi được tổ chức Công đoàn quan tâm, động viên và tặng quà" - chị Ái bày tỏ.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, quận Bình Tân, TP HCM là địa phương bị tác động nặng nề nhất. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, toàn quận có 19.309 NLĐ phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. San sẻ khó khăn với NLĐ, LĐLĐ quận đã triển khai nhiều chương trình chăm lo thiết thực. Trong đó, nổi bật là chương trình "Phiên chợ 0 đồng", "Nông sản sạch cho CN"… hỗ trợ 30,1 tấn gạo; gần 30 tấn nông sản, cá, thịt; 55.000 trứng và nhiều thực phẩm thiết yếu khác cho đoàn viên, NLĐ khó khăn. LĐLĐ quận còn chi hỗ trợ 6.509 đoàn viên, NLĐ diện F0, F1, tử vong do Covid-19 và 5.713 trường hợp phải ngừng việc vì sống trong các khu phong tỏa với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng. Nỗ lực chăm lo ấy của LĐLĐ quận đã giúp nhiều CN an tâm bám trụ TP HCM.
Hơn 241 tỉ đồng hỗ trợ đoàn viên - lao động
LĐLĐ TP HCM cho biết trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các cấp Công đoàn thành phố đã kịp thời chăm lo cho CN ở trọ, NLĐ tạm ngừng việc không hưởng lương và gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Tiêu biểu là các chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu, "Siêu thị 0 đồng", vận động chủ nhà trọ có "Tổ công nhân tự quản" giảm giá thuê phòng, điện nước, chăm lo cho con của đoàn viên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19… Ngoài ra, các cấp Công đoàn còn tổ chức chăm lo vật chất, hỗ trợ đoàn viên bị F0, F1, bị phong tỏa cách ly, đang mang thai và có con nhỏ dưới 6 tuổi; các giáo viên khó khăn, tạp vụ, bảo vệ các trường do ngừng việc trong thời gian chưa tổ chức học tập tại trường và hỗ trợ gia đình công nhân bị tai nạn lao động... Đến nay, Công đoàn thành phố đã chăm lo cho 1,7 triệu người với kinh phí hơn 241 tỉ đồng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-10
Bình luận (0)