Thời gian qua, nhà ở xã hội (NƠXH) ở các thành phố lớn như TP HCM mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân.
Liên kết với ngân hàng
Sau 15 năm, TP HCM đã đưa vào sử dụng 31 dự án NƠXH, tương ứng 18.800 căn hộ. Trong khi đó kết quả khảo sát về nhu cầu nhà ở được LĐLĐ thành phố thực hiện chỉ ra khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở nhưng với mức thu nhập hạn hẹp lại phải chịu áp lực với những khoản chi tiêu trong thời buổi giá cả leo thang khiến giấc mơ có nhà của họ trở nên xa vời hơn.
Giải pháp hạ giá thành căn hộ để người lao động dễ tiếp cận NƠXH là điều không thể. Bởi nó phụ thuộc rất lớn vào giá vật tư, công xây dựng cũng như sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà đầu tư. Khả thi hơn cả là chính quyền cần liên kết với ngân hàng chính sách cũng như các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho khách hàng tăng thời hạn, giảm lãi suất và đặc biệt là tăng số tiền cho vay. Điều này có lẽ sẽ dễ thở hơn rất nhiều với người lao động. Bởi lãi suất và hạn mức cho vay hiện tại vẫn chưa giúp đối tượng này nhiều. Nếu không, dù cho nguồn cung NƠXH dồi dào, người thu nhập thấp khó mà chạm tay vào ước mơ.
Để không làm nản lòng các nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội, cần cơ chế, chính sách thông thoáng, thủ tục phê duyệt đơn giản Ảnh: Tấn Thạnh
Cơ chế thông thoáng, thủ tục đơn giản
Cần tách bạch 2 cụm từ "sở hữu" và "nhu cầu". Nhu cầu thì ai cũng có nhưng sở hữu thì không. Bởi nhiều người lao động công việc bấp bênh không ở cố định một chỗ. Vì vậy, thay vì xây nhà chỉ để bán, nên chia ra 2 loại hình: nhà ở giá rẻ và nhà ở cho thuê chi phí thấp, từ đó chính quyền thành phố có thể giải quyết NƠXH cho đối tượng có thu nhập thấp, đem lại cơ hội cho họ được sống trong căn nhà tươm tất.
Thành phố cần siết chặt quản lý thị trường trong việc mua bán, chuyển nhượng NƠXH; quy định giá nhà hợp lý; quy trình xét duyệt hồ sơ đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi cần minh bạch, công bằng. Tuyệt đối không để nảy sinh tiêu cực theo kiểu kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra hay người lao động phải mua sang tay với giá cao.
Việc vận hành chung cư hay những vấn đề liên quan giấy tờ cũng phải quan tâm sát sao để ngăn chặn việc chủ đầu tư chiếm quyền quản lý, hạch sách cư dân hay bàn giao nhà nhưng nhiều năm không ra được sổ hồng gây tâm lý bất bình cho một bộ phận cư dân.
Hiện nay thông tin về các dự án NƠXH cũng như chính sách gói vay ưu đãi chưa được công bố rộng rãi đến người lao động. Các đơn vị kinh doanh bất động sản đã ứng dụng công nghệ vào việc kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư và khách hàng rất hiệu quả, cũng nên triển khai cho NƠXH. Thông qua ứng dụng, các chủ đầu tư cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về giá cả, thiết kế, vị trí nhà ở giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Đồng thời lập một fanpage chuyên cung cấp thông tin về các gói vay ưu đãi để từ đó ngân hàng chính sách nắm bắt nhu cầu vay vốn và tư vấn, hướng dẫn người lao động những thủ tục cần thiết để họ tiếp cận chính sách nhanh chóng.
Để không làm nản lòng các nhà đầu tư rất cần cơ chế, chính sách thông thoáng và rõ ràng, đơn giản hóa thủ tục phê duyệt. Từng bước của quy trình phê duyệt cần được thiết lập thời gian cụ thể và các sở, ngành phải thực hiện cho bằng được. Phải bảo đảm đội ngũ chuyên viên tại các sở ngành trực tiếp giải quyết hồ sơ dự án được đào tạo bài bản, trang bị tốt kỹ năng xử lý công việc. Hạn chế kiểm tra, thanh tra không cần thiết trong lúc dự án đang thi công tránh gây tâm lý bất an khiến nhà đầu tư nản.
Cần một "hệ sinh thái"
NƠXH phải là "hệ sinh thái" mà trong đó chuỗi cung ứng đáp ứng đủ đầy nhu cầu cơ bản mà người thu nhập thấp có cơ hội tận hưởng.
Đó là cơ sở hạ tầng giao thông, tiện ích dịch vụ xung quanh được tích hợp để người dân thuận tiện, thoải mái trong việc đi làm của bản thân, học hành của con cũng như giải trí của gia đình.
Vật liệu xây dựng phải được thẩm định giá cả, đạt tiêu chuẩn chất lượng, tránh tình trạng xây xong một thời gian ngắn đã xuống cấp rồi không có kinh phí bảo trì, bảo dưỡng.
Một vấn đề cũng quan trọng không kém là lưu tâm vấn đề thiết kế thẩm mỹ, thoáng khí, bảo đảm kích thước tối thiểu từng phòng.
H.Phúc
Bình luận (0)