Tổ chức và hoạt động của các tổ chức đó không được trái với lợi ích của nhân dân, dân tộc, Tổ quốc, chế độ XHCN và được pháp luật công nhận (có đăng ký hoạt động, phê chuẩn điều lệ...).
Theo Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), hiện có 80 hội, 61 liên hiệp hội địa phương, 600 trung tâm và viện (400 trực thuộc VUSTA, 200 thuộc các hội). Thời gian qua, hoạt động của một vài hiệp hội có chiều hướng biến tướng, hoạt động theo cung cách không khác một cơ quan hành chính nhà nước, nguyên nhân là do các quan chức tham gia lãnh đạo, kể cả các quan chức về hưu. Theo thói quen nghề nghiệp, khó tránh khỏi điều hành hiệp hội theo kiểu của cơ quan hành chính. Việc này làm thui chột, mất sức sống vốn có và phai nhạt tôn chỉ mục đích của hiệp hội.
Bên cạnh đó, do chưa có luật thành lập và hoạt động hội nên hiện nay một số hội coi quy định nhiệm vụ trong điều lệ của mình đã được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền là điều kiện có tính pháp lý để triển khai hoạt động. Tuy nhiên, điều lệ không phải là văn bản quy phạm pháp luật có tính áp dụng chung nên sẽ không thuận lợi cho hiệp hội, tổ chức xã hội khi tham gia các quan hệ xã hội có tác động ra bên ngoài.
Ngoài ra, vẫn còn một số hạn chế trong quản lý nhà nước đối với hội như: thủ tục thành lập hội còn khá phức tạp, một số tiêu chí xét duyệt đơn đăng ký của các hội là không cần thiết, làm mất nhiều thời gian.
Cơ chế "quản lý kép" đối với hội bao gồm quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ (đối với các hội có phạm vi hoạt động toàn quốc) hoặc UBND cấp tỉnh (đối với các hội có phạm vi hoạt động cấp tỉnh) và một hoặc nhiều bộ, ngành chủ quản chưa được cụ thể hóa nên trong nhiều trường hợp thiếu đầu mối thống nhất quản lý, gây khó khăn cho hoạt động của hội.
Về việc cấp kinh phí hoạt động cho hội, nhiều cơ quan, địa phương chưa thực hiện đúng quy định của nhà nước, dẫn đến tình trạng phân biệt, không công bằng giữa các hội...
Để hội và tổ chức xã hội làm đúng chức năng của mình, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cần tăng cường tương tác giữa chính quyền trung ương, địa phương với các tổ chức xã hội; hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của các tổ chức xã hội. Đặc biệt, xây dựng cơ chế tham gia giám sát của các tổ chức xã hội. Bởi trong các vai trò của các tổ chức xã hội, tham gia giám sát là khó khăn nhất do chưa có cơ sở pháp lý quy định rõ trách nhiệm và cơ chế cho hoạt động này. Tham gia giám sát sẽ nâng cao vị thế của tổ chức xã hội và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xã hội.
Bình luận (0)