Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho biết kinh phí dành cho các tổ chức hội năm 2016 là 14.000 tỉ đồng, tổng tài sản là 68.000 tỉ đồng.
Chiều nay, 8-9, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật về hội.
Tại hội nghị, vị khách mời, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) - đã đưa ra thông tin gây sốc với kết quả điều tra của Viện nghiên cứu chính sách kinh tế (Đai học Quốc gia) nêu rõ: ngân sách nhà nước dành cho các tổ chức hội năm 2016 là 14.000 tỉ đồng, trong đó riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam do ông Võ Kim Cự là Chủ tịch là hơn 112 tỉ đồng.
"Còn tính cả tài sản của các tổ chức hội là 68.000 tỉ đồng, bằng 1,7% GDP. Đó là chưa nói về nguồn nhân lực và cán bộ"- ông Giao nhấn mạnh.
Tính cả tài sản của các tổ chức này là 68.000 tỉ đồng (chiếm 1,7% GDP), chưa kể nguồn lực công tác cán bộ”, Viện trưởng viện nghiên cứu chính sách thông tin.
Đáng chú ý, theo ông Hoàng Ngọc Giao, các tổ chức đặc thù hiện có khoảng 8.000, các hội này tiếp tục cơ chế xin tổ chức đặc thù, rồi xin tiền.
"Vì vậy, Luật về hội phải tạo hành lang, cơ chế để họ tự sống như trao hội quyền tự gây quỹ; nguồn viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài; hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam" - ông Giao đề xuất.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho rằng nếu kiểm đếm thì Việt Nam phải có đến 300 - 400 nghìn tổ chức cộng đồng như hội nuôi tem, trồng rau sạch, nuôi vịt siêu nạc… "Song nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy chính những hội này mới thực sự là hội, họ gắn bó với như để tương thân tương ái với nhau chứ không có tính hình thức”- TS Hoàng Ngọc Giao nói.
Ông Giao cho hay Đảng rất đúng khi có nghị quyết, văn bản nói rõ là giữ ổn định biên chế đến hết 2016, từ 2017 thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được giao. Luật ngân sách cũng nói rõ các tổ chức này thực hiện theo nguyên tắc tự đảm bảo, chỉ hỗ trợ cho nhiệm vụ được giao.
"Vậy luật này có giải quyết vấn đề này hay không? Tôi cho rằng nên và có phần quy định nguyên tắc tiêu ngân sách, trách nhiệm giải trình. Vì nếu gạt hẳn ra thì chả ở đâu giải quyết, phải tầm luật thì mới giải quyết minh bạch hoá và giải trình của các tổ chức này” - ông Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiêu tốn 112 tỉ đồng trong năm 2016 - Ảnh: internet.
Với chủ trương giảm dần bao cấp với các tổ chức hội đặc thù, ông Giao cho rằng nên tạo cơ chế như trao quyền hoạt động gây quỹ, nhận viện trợ phi chính phủ và sự hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam trên nguyên tắc minh bạch “để họ sống được, đỡ bám nguồn sữa mẹ ngân sách”.
Lo ngại miếng bánh ngân sách phải gồng gánh quá nặng, ĐHQH Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị dự luật phải quy định các tổ chức hội phải tự chủ tài chính của hội.
Ông Nhưỡng cho biết từ năm 1981 Bộ Tài chính đã có quy định này. "Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay không thể bao cấp mãi cho các hội được. Nhà nước chỉ hỗ trợ khi các hội tham gia thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao"- ông Nhưỡng nói thẳng.
Trước đó, báo cáo của Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án Luật về hội cho thấy dự thảo luật trình QH khoá XIII đã quy định rõ “Đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước, được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động”.
Về vấn đề này, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành quy định của dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị thực hiện theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước (năm 2015), có như vậy mới bảo đảm sự bình đẳng giữa các hội, tránh cơ chế xin cho.
Cho ý kiến về dự luật ở khía cạnh khác, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương đánh giá dự thảo luật đã không rõ ràng, thậm chí mù mờ về khái niệm và quy định.
Ông Cương dẫn chứng quy định dự luật không làm rõ thế nào là tổ chức phi chính phủ, hội, quỹ hay luật điều chỉnh tổ chức phi Chính phủ nước ngoài nhưng của trong nước lại không, nhiều quy định không thống nhất cách hiểu trong toàn bộ luật dẫn đến luật có ra đời cũng khó điều chỉnh.
Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Cương, xuất phát từ khái niệm mập mờ nên luật này làm cho quản lý cán bộ công chức thêm lộn xộn. Ông không đồng tình với việc cán bộ công chức là người của Chính phủ nhưng tham gia tổ chức phi Chính phủ, là hội viên thoải mái vì việc này ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý nhà nước.
“Ví dụ công chức của Cục An toàn thực phẩm tham gia hiệp hội sữa, cán bộ ở Bộ Công Thương cấp phép về phân bón nhưng lại tham gia hiệp hội phân bón, một ông cục trưởng lại là chủ tịch hội phòng chống thuốc lá... Hay làm ở ngân hàng lại tham gia hiệp hội kinh doanh vàng thì hoà cả làng. Như vậy khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi” - ông Cương gay gắt.
Đề cập trường hợp bị hạn chế quyền lập hội được quy định tại khoản 2 Điều 7 dự thảo luật là công chức, bộ đội, công an không được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công, ĐBQH Nghiêm Vũ Khải cho rằng cần căn cứ vào thực tế nước ta để xác định cho phù hợp.
“Thực tế do sự phân công của cơ quan có thẩm quyền nên một số người đứng đầu các hội lại là công chức, như làm Phó Chủ tịch Liên hiệp hội, tham gia Đoàn chủ tịch của hội. Vậy khái niệm lãnh đạo điều hành thế nào, đó có phải là lãnh đạo không?”- ông Khải ví dụ.
Cho rằng do đặc điểm của nước ta nên công chức có tham gia hội ở mức độ nhất định, ĐB Nghiêm Vũ Khải đề nghị nên sửa quy định trên theo hướng cán bộ công chức, công an, bộ đội tham gia khi có cơ quan có thẩm quyền đồng ý chứ không quy định “không được tham gia trừ trường hợp được phân công” để phù hợp hơn khi hội nhập quốc tế.
Bình luận (0)