Trước những đề xuất của Bộ trưởng GTVT về siết chặt đào tạo cấp giấy phép lái xe và xử lý các trường hợp vi phạm trong phiên giải trình 6-3, bạn đọc Báo Người Lao Động đã có nhiều ý kiến xung quanh những vấn đề này.
Không cần thiết, lãng phí
Nhiều bạn đọc tỏ ra đồng thuận trước những hướng giải quyết trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe như thay đổi nội dung giảng dạy theo hướng tăng cường tập lái xe trong sa huỳnh, tăng cường giám sát chất lượng giảng dạy, tăng cường giám sát kiểm tra mà Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ. Đặc biệt phương án tịch thu vĩnh viễn bằng đối với người lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn đã nhận được đa số ý kiến đồng thuận.
Tuy nhiên, với đề xuất người mất bằng lái xe buộc phải thi lại để tránh tình trạng "lách luật" mà Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra, hầu hết các ý kiến đều phản đối.
Bạn đọc Phú trình bày: "Thưa ngài Bộ trưởng, xin ông hãy chấn chỉnh việc dạy và cấp bằng cho nghiêm túc để tạo ra các tấm bằng thật, tránh việc dạy giả- học giả- bằng thật. Việc đó nằm trong phạm vi trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Tai nạn giao thông phần lớn từ đó mà ra chứ đừng đề ra những đề xuất không khả thi".
Theo bạn đọc Vinh: "Khi được cấp bằng lái xe có nghĩa bạn có đầy đủ kỹ năng lái xe ô tô và được công nhận ghi trên giấy hoặc thẻ. Nếu mất chỉ việc làm đơn xin cấp lại và đây là thủ tục hành chính thông thường, không ảnh hưởng gì đến chuyên môn mà phải học lại. Bằng lái xe cũng như mọi văn bằng khác được chứng nhận và ghi trên giấy, mỗi người có rất nhiều văn bằng khác nhau nếu mất mà phải thi lại thì thực sự không cần thiết, lãng phí tiền của cá nhân và xã hội".
Người dân đi làm giấy phép lái xe (ảnh: Nguyễn Hưởng)
Đồng quan điểm, bạn đọc Khắc Huỳnh bày tỏ: "Đồng tình với việc sử dụng ma túy là vi phạm pháp luật, mà còn gây tai nạn giao thông là không đủ tư cách đạo đức thì phải tịch thu bằng lái vĩnh viễn. Nhưng mất bằng lái xe mà phải thi lại là vô lý. Bởi số lợi dụng sơ hở trong việc cấp lại bằng lái xe để có thêm bằng là rất ít so với số mất do nguyên nhân khách quan. Người dân bị mất chứ có vi phạm luật đâu mà tước bằng? Nếu áp dụng thi lại với tất cả trường hợp sẽ gây lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc của những người mất thật, nhất là đối với những bằng lái xe hạng cao. Chưa kể còn làm trì trệ công việc và nguy cơ tài xế mất việc, ảnh hưởng tới cuộc sống của biết bao người".
Quan trọng là công tác quản lý
Còn theo bạn đọc Lê Long, việc thi lại bằng lái xe trong trường hợp bị mất còn dễ kéo theo nhiều tiêu cực trong công tác đào tạo, cấp bằng lái xe, đặc biệt là khi hiện nay công tác này còn rất nhiều bất cập chưa được giải quyết triệt để.
Bạn đọc Đình Minh nhấn mạnh: "Mất giấy phép chứ đâu phải mất kỹ năng lái xe. Việc lợi dụng xin thêm bằng thứ 2, thứ 3 là lỗi do ngành chức năng quản lý chưa tốt, sao lại lấy đó làm căn cứ gây phiền nhiễu cho người dân?"
Vấn đề càng được bàn luận sôi nổi hơn khi nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: "Vậy cơ quan chức năng quản lý hồ sơ gốc để làm gì?".
Theo bạn Trần Đức Thắng: "Thời đại công nghệ 4.0 phải hướng đến mục tiêu số hoá mọi dữ liệu cá nhân, quản lý dữ liệu công dân thông qua hệ thống công nghệ, làm 1 hệ thống truy xuất thông tin, chỉ cần quét mã vạch hay mã số bằng sẽ ra hết thông tin vi phạm và cứ theo luật mà làm. Mất bằng là điều không ai mong muốn, còn lợi dụng báo mất bằng mà làm lại cái khác thì rất dễ để ngăn chặn".
Nhiều bạn đọc còn băn khoăn rằng đề xuất này chẳng khác nào người làm mất chứng chỉ hành nghề, bằng tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp THPT… cũng buộc phải thi lại để tránh tiêu cực.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn: Đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại” có khả thi hay không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)