Ngày 6-3, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Cần có chế tài mạnh hơn
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho rằng công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm ATGT đường bộ, đường sắt vẫn còn bất cập, số người chết vẫn rất cao. "Chỉ trong 1 phiên giải trình đã có khoảng 23 người ra đường mãi mãi không bao giờ về nhà" - bà Nga chia sẻ.
Thay mặt nhóm nghiên cứu của UBTP, Ủy viên Thường trực UBTP Nguyễn Thị Thủy cho biết chỉ đến khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do tài xế sử dụng ma túy thì việc kiểm tra tình trạng này mới được chú trọng. Đặc biệt, là công tác đào tạo, cấp bằng lái xe, thay vì dạy "bài bản" thì dạy "mẹo" với mục tiêu thi đỗ; có hiện tượng "bao thi", "bao đậu" tại một số cơ sở cấp bằng lái xe.
Nhìn rộng hơn, nguyên Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Đình Quyền cho rằng chỉ ra ý thức của người dân để nói về nguyên nhân của TNGT là không hoàn toàn đúng. Ông Quyền dẫn chứng việc cấp bằng lái xe dễ dãi có trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Ông Quyền đề nghị việc xử lý tài xế sử dụng ma túy phải xử lý pháp nhân - chủ doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải. Theo ông Quyền, chủ DN chỉ đạo hoặc làm ngơ việc tài xế chở quá trọng tải, sử dụng ma túy thì cũng là đồng phạm.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Khuất Việt Hùng cho rằng việc xử phạt nghiêm với các hành vi vi phạm về trật tự ATGT là động lực để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành chưa tạo hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Dẫn quy định hiện hành về việc yêu cầu người xử phạt vi phạm giao thông phải chứng minh vi phạm, ông Khuất Việt Hùng cho rằng việc này đang đi ngược lại với các nước. Bởi thông thường về mặt hành chính cứ xử phạt, còn nếu thấy việc xử phạt đó không đúng thì người bị xử phạt có thể kiện người ra quyết định xử phạt ra tòa hành chính.
Mất bằng lái xe phải thi lại
Trực tiếp giải trình các chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết về công tác đào tạo sát hạch lái xe, Nghị định 138 ban hành cuối năm 2018 đã chặt chẽ hơn. "Cơ sở đào tạo lái xe nào phát hiện có vi phạm thì có thể thu hồi giấy phép vĩnh viễn để bảo đảm tính răn đe. Đây là loại hình đào tạo đặc biệt" - ông Thể cam kết.
Cứng rắn hơn, Bộ trưởng Bộ GTVT nói: "Bộ GTVT đề xuất quy định người dân mất bằng lái xe phải thi lại mới được cấp bằng mới. Việc này để tránh tình trạng "lách luật" kiếm thêm bằng lái thứ 2, 3 để duy trì hoạt động kinh doanh".
Cũng theo ông Thể, Bộ GTVT đang đề xuất quy định nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng thì thu hồi vĩnh viễn bằng lái hoặc tăng thời gian thu hồi bằng trong vòng 10-15 năm để bảo đảm tính răn đe. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay một số nước như Trung Quốc sẽ tịch thu bằng vĩnh viễn đối với tài xế sử dụng ma túy gây tai nạn.
Đáng chú ý, Bộ GTVT đang xây dựng các thông tư cụ thể hóa Nghị định 138 theo hướng quy trách nhiệm của DN vận tải.
"Cần quy định tất cả tài xế vi phạm thì phải xử lý nghiêm cả DN hoặc chủ phương tiện. Như vụ tai nạn nghiêm trọng ở Long An có tài xế sử dụng ma túy sẽ xử lý hình sự tài xế và vận dụng để xử lý cả DN. Hoàn chỉnh được thể chế, thực thi nghiêm minh thì chỉ cần làm vài vụ, ý thức sẽ nâng lên" - ông Thể nhìn nhận.
Theo người đứng đầu ngành GTVT, cả nước có hơn 7.500 đường giao cắt đường sắt và ngành giao thông không thể bố trí người trên toàn tuyến mà việc này thuộc trách nhiệm của địa phương. "Nếu xử lý nghiêm một số cán bộ cấp xã, huyện, thậm chí là tỉnh, buông lỏng quản lý đường sắt thì sẽ không còn tình trạng tự mở lối cắt ngang đường sắt" - Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cơ sở đào tạo lái xe nào phát hiện có vi phạm thì có thể thu hồi giấy phép vĩnh viễn để bảo đảm tính răn đe
Cuối năm 2019, 100% trạm thu phí không dừng
Nhóm nghiên cứu của UBTP cũng nêu hàng loạt vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT. Như công tác thanh kiểm tra của bộ chưa được triển khai thường xuyên, chưa chọn đúng, trúng vấn đề bất cập trong thực tiễn để thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nên hiệu quả chưa cao. "Mới đây, việc tiến hành kiểm tra hoạt động thu phí tại trạm thu phí Dầu Giây chỉ được thực hiện sau khi xảy ra vụ cướp tại trạm này và dư luận hoài nghi về tính chính xác của số tiền thu phí hằng ngày" - bà Thủy dẫn chứng.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra một số trạm thu phí BOT có dấu hiệu đặt tại vị trí không hợp lý, gây bức xúc trong dư luận, thậm chí một số nơi người tham gia giao thông đã tụ tập đông người gây ùn tắc giao thông. Hay quyết định của Thủ tướng về việc thu phí điện tử tự động không dừng, được ban hành từ năm 2017 đến nay chưa được triển khai theo đúng lộ trình.
Giải trình việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ GTVT quản lý hơn 60 trạm thu phí. Trong giai đoạn 1, bộ thực hiện áp dụng thu phí không dừng khoảng 40 trạm. Tính đến cuối 2018 đã thực hiện cơ bản, chỉ còn 8 trạm chưa triển khai kịp. "Đến cuối năm 2019, tất cả trạm sẽ thu phí không dừng" - ông Thể quả quyết.
Quốc hội tăng cường giám sát tối cao về ATGT
Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Đồng thời, tổng kết việc thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xác định cụ thể những quy định vướng mắc để đề xuất Quốc hội sửa đổi. UBTP đề nghị Chính phủ lắp đặt 100% hệ thống camera tại các điểm tuần tra, kiểm soát giao thông.
Bình luận (0)