Nhiều bạn đọc không khỏi lo lắng và phản ứng trước đề xuất khá đột ngột này. Bạn đọc tên Dương cho rằng lương không tăng nhưng nhiều ngành đều rục rịch đòi tăng giá, từ giá điện, xăng, học phí, viện phí, thực phẩm… khiến người dân lâm vào thế đã rồi.
Trong khi đó, đất nước đang gặp nhiều khó khăn, các gia đình đều phải “thắt lưng buộc bụng” siết chặt chi tiêu thì việc đề xuất thu phí lưu thông 500.000 – 1.000.000 đồng/xe ở thời điểm này được xem là “điên rồ”. Một bạn đọc bức xúc: Người dân nghèo chỉ dám mua xe máy Trung Quốc 3-4 triệu/chiếc để làm phương tiện mưu sinh, phải vay mượn, tiền chi tiêu hàng tháng thiếu trước hụt sau thì đóng phí 500.000 đồng/năm là quá nhiều.
Kẹt xe trước Bến xe Miền Đông - TPHCM. Ảnh tư liệu NLĐO
Trong khi đó, nhiều bạn đọc khác lại khá mơ hồ về tính khả thi của đề xuất này. Liệu thu mức phí khá cao như vậy thì tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông sẽ được giải quyết dứt điểm?
Bạn đọc tran thi thanh cho rằng: Luật phải phục vụ dân sinh. Nếu dân không chấp nhận thì Bộ trưởng Bộ GT-VT có đưa ra vài trăm chỉ thị, luật lệ cũng không có tác dụng. “Tôi thấy đề xuất này xa rời thực tế, không hợp lòng dân. Tôi dám chắc rằng điều này sẽ không thực thi được vì lương công nhân mỗi tháng oằn mình tăng ca chỉ được 1,7-1,8 triệu/tháng thì đóng phí giao thông lấy gì mà sống?".
Bạn đọc Bảo An cho rằng Bộ GT-VT "quản không được thì cấm". Nếu sau khi đóng phí, người dân đi làm từ 5 giờ nhưng do kẹt xe nên đến hơn 6 giờ vẫn còn lang thang ngoài đường thì Bộ có trả lại phí không?
Bạn đọc Đỗ Quyên dự đoán việc thu phí lưu thông xe máy sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí còn làm trầm trọng thêm khi mà nhu cầu đi lại của người dân không thể dừng được.
Chỉ giải quyết phần ngọn
Một điều nhận thấy là các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm kế sách giảm tình trạng kẹt xe, tai nạn ở các thành phố lớn. Đề xuất thu lệ phí lưu thông xe máy đã được các đời bộ trưởng Bộ GT-VT trước đề xuất và vấp phải phản ứng quyết liệt của dư luận xã hội. Đề xuất của Bộ trưởng Đinh La Thăng lần này cũng chỉ là “hâm nóng” chuyện cũ. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng đề xuất này chỉ nhằm giải quyết phần ngọn mà chưa giải quyết dứt điểm phần gốc là sự quy hoạch thiếu khoa học, tận dụng tối đa mật độ xây dựng vì lợi ích trước mắt, nói không đi đôi với làm khi mà chưa tổ chức triệt để việc di dời các trường ĐH, bệnh viện ra khỏi thành phố.
Người dân TPHCM "chôn" chân trên đường do triều cường, trời mưa. Ảnh tư liệu NLĐO
Theo bạn Trà Quang Doan, vấn đề cốt lõi của nạn kẹt xe hiện nay là do hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông của nước ta còn quá kém, chưa phát triển kịp thời đại. Nếu giải pháp của bộ trưởng Bộ GT-VT là nâng cấp mở rộng mạng lưới giao thông, giáo dục ý thức người tham gia giao thông, nâng mức phạt những người vi phạm luật giao thông thì người dân đồng tình, còn nếu như thu phí kiểu này thì không thể ủng hộ.
Nguyễn Nam cho rằng: Khi hạ tầng giao thông không đồng bộ, chất lượng các công trình giao thông bị cắt xén quá nhiều, làm hôm trước hôm sau hư và vấn đề quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường đại học... chưa tốt thì nếu có thu phí cao đi chăng nữa, ùn tắc vẫn cứ ùn tắc.
Nhiều bạn đọc khẳng định sẵn sàng đóng mức phí cao để được đi xe máy vì đó là nhu cầu thiết yếu trong bối cảnh các phương tiện giao thông ở nước ta chưa phát triển đúng với nhu cầu người dân. “Dân đi làm, không đi bằng xe máy thì đi bằng xe bus? Sinh viên còn đang khổ sở với xe bus thì công nhân viên sẽ như thế nào? Liệu dân đi làm bằng... xe công có được không? Nếu đóng phí 5 triệu/năm thì tôi vẫn phải đóng vì đơn giản những người làm công ăn lương như tôi không có sự lựa chọn khác. Khi nào ta có hệ thống giao thông công cộng như những nước tiên tiến thì tôi sẽ ủng hộ việc thu phí, thậm chí phạt nặng khi đi xe máy” – một bạn đọc cho biết.
“Người dân đi làm kẹt xe, bị trừ lương, thưởng, ai trả lại dân khoản này? Xe lưu thông trên đường bị triều cường, trời mưa ngập nước, hư xe, ai sẽ trả lại cho dân khoản này? Đường sá đào, bới gần chục năm nay, đã gián tiếp và trực tiếp gây tai nạn, có cả chết người, ai bù lại những mất mát to lớn đó?
Khi nào đường thông, hè thoáng, người dân lưu thông trên đường thuận tiện thì hãy tính đến thu phí. Mọi người sẵn sàng đóng. Còn bây giờ thu phí là để tu bổ, mở rộng đường thì quá vô lý, người dân cả nước đang không sống chung với trăm ngàn "lô cốt" đó sao? Còn nói thu phí để mọi người chuyển sang phương tiện giao thông công cộng thì càng bất cập hơn, vì mọi người quá ngán cảnh chen lấn, giật dọc, móc túi và cả bị hành hung trên các chuyến xe buýt lắm rồi” - Bạn đọc Thanh An chất vấn.
Còn bạn Nhật Tài cho rằng tai nạn, ùn tắc giao thông triền miên là do năng lực quản lý yếu kém, tiêu cực tràn lan, thiết kế xây dựng cầu đường chưa thật phù hợp đã góp phần đưa đến vấn nạn trên. Đây là trách nhiệm của ngành GT-VT, cớ sao lại đổ trút cho người dân phải gánh chịu?
Đa số bạn đọc mong mỏi Bộ GT-VT tập trung chấn chỉnh, đầu tư nâng cấp phương tiện vận tải hành khách công cộng sao cho thuận tiện văn minh, mở rộng cầu đường cho thông thoáng và quan trọng nhất là làm sao Bộ trưởng Đinh La Thăng xử lý được tình trạng thi công cẩu thả, rút ruột công trình... Hậu quả của những hành vi này là hàng ngàn tỉ đồng đầu tư cho hạ tầng mới đưa vào sử dụng chẳng được bao lâu đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, tiền của nhân dân.
Giải quyết được cơ bản những vấn đề trên thì bộ trưởng mới tính đến việc bắt người dân phải đóng những loại phí để khắc phục những hậu quả, yếu kém mà đáng lẽ người đứng đầu ngành GT-VT phải chịu trách nhiệm. Khi chưa làm được việc nầy thì khó mà thuyết phục được số đông người lao động vét hầu bao để nộp loại phí phát sinh này.
Bình luận (0)