Đề xuất thu phí lưu hành xe cá nhân của Bộ GTVT đã gặp phản ứng từ các chuyên gia giao thông. Ảnh: Tấn Thạnh
Đề xuất vội vàng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng đề xuất của Bộ GTVT cần phải được xem lại bởi không thể lấy mục tiêu giảm ùn tắc giao thông để đặt thêm gánh nặng lên vai người dân. “Đây là vấn đề lớn nên Bộ GTVT cần lấy ý kiến của dư luận trước khi đề xuất” - ông Hùng nói. Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, đề xuất của Bộ GTVT là vội vàng.
Theo tờ trình số 8868 do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm, người sử dụng xe máy sẽ phải đóng khoản phí lưu hành từ 500.000 – 1 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, số lượng xe máy đang lưu thông tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ có thể lên tới cả chục triệu chiếc. Việc thu một khoản tiền lớn như thế vô hình trung biến xe máy trở thành đối tượng chịu khá nhiều loại phí. “Chưa kể phí đăng ký, biển số, trước bạ (cả ô tô và xe máy) đều đã tăng rất cao so với trước đây, kể từ ngày 1-1-2012, hai phương tiện này còn tiếp tục chịu thuế bảo vệ môi trường được tính vào giá xăng dầu và có thể cả phí bảo trì đường bộ đã được Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt” - ông Hùng liệt kê.
Chỉ cần nhẩm tính sơ sơ, nếu các loại phí ông Hùng liệt kê đều được phê chuẩn thì những người đang sử dụng xe máy phải bỏ ra khoảng hơn 1 triệu đồng/năm. Nếu sử dụng các dòng xe đắt tiền và có phân khối càng lớn, ít nhất cũng phải bỏ ra gần 2 triệu đồng.
Luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho rằng ở vào thời điểm giao thông công cộng ở Hà Nội, TPHCM còn bị chê nhiều hơn khen, việc thu thêm phí đối với xe máy khó tạo được sự đồng thuận.
Cân nhắc dựng trạm thu phí
Ông Bùi Danh Liên cho biết thế giới xác định ô tô là đối tượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới giao thông tại các đô thị và các nước đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế xe cá nhân. Theo đó, ngoài việc phát triển mạnh hệ thống vận tải hành khách công cộng, họ còn tăng phí trước bạ, biển số xe, đăng ký xe…
Với điều kiện hạ tầng giao thông ở nước ta hiện nay, ông Liên lo ngại việc dựng trạm thu phí đối với ô tô sẽ khiến tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM thêm trầm trọng. “Cần triển khai thu phí qua thẻ ATM như các nước đang làm. Người sử dụng ô tô phải có thẻ ATM và được hệ thống máy móc đặt tại các cửa ngõ tự động trừ tiền từ tài khoản sau khi ghi nhận ô tô chạy vào giờ cao điểm. Hà Nội có rất nhiều hướng vào trung tâm TP và thường xuyên xảy ra tắc nghẽn khá nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Dựng thêm trạm thu phí ở các cửa ngõ chắc chắn sẽ khiến ùn tắc thêm trầm trọng” - ông Liên phân tích.
Mức thu do địa phương quy định Bộ GTVT đề xuất thu phí các loại ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm và miễn phí với các loại xe công, xe buýt. Giờ cao điểm được Bộ GTVT xác định buổi sáng từ 6 giờ - 8 giờ 30 phút, buổi chiều từ 16 giờ - 19 giờ (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ). Việc thu phí thực hiện tại khu vực nội thành thông qua các trạm thu phí ô tô và chỉ thu chiều vào với mức dự kiến là 30.000 đồng/lượt đối với ô tô chở người đến 7 chỗ và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ô tô còn lại (xe tải, xe chở người hơn 7 chỗ…). Khu vực và mức thu cụ thể giao UBND cấp tỉnh quy định trên cơ sở nghị quyết của HĐND cho phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội và yêu cầu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở địa phương. |
Bình luận (0)