Đoạn đường này được đắp bằng đất rộng chừng 3 m, hai bên là đồng ruộng, bề mặt nhiều “ổ voi, ổ gà” lại quá thấp so với trục đường chính nên vào mùa mưa, nước thường xuyên dâng ngập hết đường, học sinh buộc phải nghỉ học. Không chỉ vậy, khúc cua từ đường chính nối vào đoạn đường khá gắt và lõm nên dễ xảy ra tai nạn. Mỗi khi tan tường, hàng chục học sinh chạy xe đạp chen chúc, xô đẩy nhau, có em suýt ngã xuống ruộng ̣.
Ông Nguyễn Văn Huệ (SN 1973, ngụ thôn Phù Ninh, có con đang học tại trường này) cho biết chuyện học sinh đến trường bị té ngã xảy ra như cơm bữa. Còn cô Hồ Thị Hồng, giáo viên nhà trường, kể tan học lúc 17 giờ nhưng do đường xấu, có khi đến tối mới về được tới nhà, cả học sinh và giáo viên đều mệt mỏi, không có tâm trạng để học và ôn bài, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập. “Ngày mưa thì nước ngập, đến khi nước rút, đường lầy lội, học sinh thường đi học trễ. Có em phải nghỉ học hoặc đến lớp trong tình trạng áo quần lấm lem vì ngã xuống ruộng”- cô Hồng tâm sự.
Điều đáng nói, nhà trường cũng như phụ huynh phản ánh vấn đề này trong nhiều năm qua nhưng chưa được chính quyền địa phương quan tâm giải quyết triệt để.
“Hễ có mưa lớn, tôi phải gọi điện báo với lãnh đạo phòng giáo dục huyện xin cho học sinh nghỉ chứ nếu để các em liều mình băng qua giữa dòng nước thì nguy hiểm. Cũng vì vậy mà cứ đến ngày nghỉ, giáo viên phải dạy bù liên tục để kịp chương trình. Toàn trường có 328 học sinh và 23 giáo viên, việc học sinh đến lớp thất thường do đường xấu, lưu thông khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học” - ông Trần Ngọc Thuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Quảng Thanh, than phiền.
Ông Thuyết cho biết đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương xã Quảng Thanh, thậm chí có cả tờ trình gửi UBND xã cũng như phản ánh tại các cuộc họp nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết.
Bình luận (0)