Sau loạt bài “Luật ngầm” lòng đường, vỉa hè” đăng trên Báo Người Lao Động số ra từ ngày 21 đến 23-3, nhiều bạn đọc đã phản hồi đến báo những kiến nghị cũng như giải pháp xử lý triệt để nạn bảo kê vỉa hè.
Ai cũng biết, phường không biết
“Các “ông chủ” lòng đường đang “làm mưa làm gió” ở khu trung tâm TP nhưng khi được hỏi, các cơ quan chức năng thường trả lời chưa nắm được thông tin. Đó chẳng qua chỉ là một lời nói cho qua chuyện chứ bấy lâu nay, ai kinh doanh ở vỉa hè mà không biết “luật ngầm”? Nói như lời mấy tiếp viên quán nhậu mà phóng viên Báo Người Lao Động đã ghi lại được, thì “mở quán nhậu không chung chi, sao làm ăn?”. Nghịch lý là chuyện bảo kê này ai cũng biết, chỉ có cán bộ, công an phường là không biết, “chưa nghe phản ánh”. Khu vực các anh quản lý mà nói không biết là không thể chấp nhận được, trừ khi có ăn chia nên mới làm ngơ. Chính sự câu kết để hình thành các thế lực “ngầm”, các nhóm lợi ích đã làm méo mó chủ trương, chính sách của nhà nước và pháp luật. Vì vậy, phải truy cho đến tận cùng ai đứng sau bảo kê để xử lý nghiêm. Nếu không, mọi nỗ lực giành lại vỉa hè trong thời gian qua cũng như bắt cóc bỏ dĩa” - bạn đọc Tấn Phú nhận xét.
Nhiều bạn đọc cảm ơn phóng viên Báo Người Lao Động đã bỏ thời gian, công sức, thậm chí không ngại nguy hiểm để thu thập thông tin về nạn bảo kê vỉa hè. Tuy nhiên, bạn đọc cũng cho rằng nếu phóng viên đã ghi nhận, thu thập thông tin rồi, chỉ cần cán bộ của những quận có liên quan mật phục, chụp hình, quay phim nạn tái chiếm vỉa hè để kinh doanh thì cũng sẽ biết phải xử lý ai rồi.
“Không có tay trong, đố ai dám vi phạm? Lịch đoàn công tác xử lý lấn chiếm vỉa hè, chỉ có các vị trong đoàn biết. Vi phạm nhiều lần, ai cũng thấy, luật cũng đã có, sao không rút giấy phép kinh doanh, cưỡng chế...? Bảo kê vỉa hè là có thật, như ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, thừa nhận khi báo cáo với Chủ tịch UBND TP. Đây cũng là một hình thức tham nhũng, làm xói mòn niềm tin của người dân. Chỉ cần cách chức chủ tịch và trưởng công an phường là vỉa hè sẽ thông thoáng ngay. Phải xử lý nghiêm và thật quyết liệt những địa phương để xảy ra tình trạng này, từ đó lập lại kỷ cương, đem lại lòng tin cho nhân dân” - bạn đọc Ngô Duy Thanh khẳng định.
Nhiều bạn đọc cũng cho rằng một khi lãnh đạo TP HCM đã nói: “Phải kiên quyết dẹp chuyện bảo kê, chống lưng cho hoạt động kinh doanh trên vỉa hè; kính mời anh làm việc khác nếu để tái chiếm vỉa hè” thì chắc chắn người dân TP cũng đang nóng lòng theo dõi, chờ đợi những đối tượng bảo kê, những cán bộ tha hóa sẽ bị xử lý đúng người, đúng tội trong thời gian tới.
Đề xuất nhiều giải pháp khả thi
Bàn về những giải pháp chống nạn bảo kê, tái chiếm vỉa hè, bạn đọc đề xuất mỗi quận, mỗi phường nên có đường dây nóng để người dân cung cấp thông tin. Ngoài ra, chủ tịch quận nên thường xuyên thay đổi thời gian tuần tra; điều động, hoán đổi các đội trật tự đô thị giữa các phường để tránh quen biết, tiêu cực cũng như không ngại đụng chạm, thẳng tay xử lý sai phạm.
“Vỉa hè không chỉ là nguồn thu của các hộ kinh doanh mà còn là nguồn thu của những người bao che, dung túng, thỏa hiệp với hoạt động này. Vì vậy, phải giao trách nhiệm cho chủ tịch phường, nếu vi phạm thì cách chức chứ không luân chuyển. Phải ra tay mạnh mới trấn áp được các đối tượng xem thường pháp luật, triệt tiêu được nạn bảo kê, cát cứ vỉa hè. Khi đó mới thật sự có hè thông đường thoáng” - bạn đọc Hà Trang kiên quyết.
Bạn đọc Nhật Minh Quang đề xuất: “Bao năm qua. chúng ta đều có những đợt ra quân dọn dẹp vỉa hè, tốn tiền, tốn nhân lực. Thế nhưng sau đó. nhà nhà lấn chiếm, người người buôn bán, càng lúc càng bát nháo, mất trật tự, vệ sinh. Thực tế, nhu cầu của người dân là có thật nên nếu dẹp chỗ này sẽ phình ra nơi khác. Vì vậy, chúng ta không nhất thiết cấm kinh doanh trên tất cả vỉa hè. TP nên có quy định cụ thể vỉa hè rộng bao nhiêu thì cho phép địa phương được cho thuê (dĩ nhiên phải chừa lại diện tích vỉa hè đủ rộng cho người đi bộ), giá thuê như thế nào, người thuê cần đáp ứng những tiêu chí gì về ngành hàng kinh doanh, thời gian kinh doanh… Từ đó, cấp phép sử dụng một phần vỉa hè cho người dân. Tiền thuê vỉa hè hằng tháng và cả tiền xử phạt nếu vi phạm, phường nộp một phần vào ngân sách của TP, phần còn lại dùng để tu sửa vỉa hè, trả lương cho lực lượng trật tự… Mọi thứ cứ rõ ràng, minh bạch, sòng phẳng dựa trên quy định đã soạn sẵn. Việc này vừa tạo điều kiện cho người dân được kinh doanh, chính quyền vừa có thêm ngân sách vừa quản lý được lại vừa triệt tiêu nạn bảo kê vỉa hè”.
“Việc chấn chỉnh vỉa hè không phải bằng những đợt ra quân hay phong trào mà phải bằng việc thực thi pháp luật của một chính quyền công vụ” - bạn đọc Minh Ngọc nhấn mạnh.
Bình luận (0)