Từ sáng sớm, các tình nguyện viên đã tất bật đi chợ, mua rau củ quả, thịt, trứng để "bán" lại cho những người khách hàng đặc biệt đang thực hiện cách ly tại hẻm 17, đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP HCM.
Những túi rau củ được các tình nguyện viên mang về khu cách ly
Tại khu khu chợ này, tất cả hàng hóa được bán với giá 0 đồng.
Các tình nguyện viên phân loại rau củ để sắp xếp lên gian hàng 0 đồng
Khu chợ đặc biệt có tên đầy đủ là "Gian hàng 0 đồng sẻ chia cùng khu cách ly". Đây là hoạt động do UBND phường Tân Quý phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức nhằm tiếp sức cho bà con yên tâm cách ly.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND phường Tân Quý, cho biết mô hình "Gian hàng 0 đồng chia sẻ cùng khu cách ly" nhận được sự đồng hành của các nhà hảo tâm gần xa.
Sau 30 phút chuẩn bị, "gian hàng 0 đồng" đã ngập tràn màu sắc
Mỗi ngày, "gian hàng 0 đồng" phục vụ hơn 300 nhân khẩu đang sống trong khu cách ly. Thực đơn mỗi ngày luân phiên với đầy đủ các loại rau củ và thịt, trứng. Trung bình mỗi ngày, gian hàng "bán" được hơn 100 kg rau củ các loại, khoảng 500 trứng, 100 kg thịt heo, gạo và các nhu yếu phẩm khác.
"Với tinh thần không để bất kỳ ai cảm thấy cô đơn trong mùa dịch này, địa phương cũng đã phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể chăm lo, vận động, thăm hỏi sức khỏe của người dân. "Gian hàng 0 đồng" chính là cầu nối cho sự yêu thương, chia sẻ khó khăn của người dân phường Tân Quý đối với 73 hộ dân đang thực hiện cách ly" - ông Huy nói.
Người dân đi chợ giữa khu cách ly
Chị Vũ Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam phường Tân Quý, cho biết đa phần các mặt hàng thực phẩm đều mua từ chợ, một số là mua bằng tiền của mạnh thường quân đóng góp, một số là của bà con tiểu thương chợ ủng hộ.
Sau khi thu gom đầy đủ thực phẩm, mọi người sẽ kiểm tra thực phẩm, sát khuẩn và mang vào trong khu cách ly.
Sau đó, các tình nguyện viên sẽ rời khỏi khu vực gian hàng, nhắn tin thông báo vào nhóm chat của khu phố để mọi người biết và chuẩn bị "đi chợ" nấu ăn.
"Việc sắp xếp rau củ và phân loại ngay ngắn giúp người dân dễ dàng "đi chợ", thoải mái lựa chọn mặt hàng mình yêu thích và có cảm giác như mình đi siêu thị thật, đi chợ thật" - chị Quỳnh nói.
Cuối ngày, các bạn tình nguyện viên sẽ kiểm tra gian hàng xem còn những thực phẩm gì, nhắn tin với các hộ dân bằng Zalo và lên danh sách thực phẩm mới cho hôm sau.
Khu "chợ tình người" mang đến sự ấm áp cho người dân, cùng nhau sẻ chia những khó khăn để vượt qua đại dịch.
Bình luận (0)