Từ ấy đến nay, Đà Nẵng đã có quá nhiều đổi thay.
1. Năm 1965, tôi theo gia đình từ làng quê Điện Bàn, Quảng Nam tản cư ra Đà Nẵng. Chỉ cách nhau 20 cây số mà như đã lạc vào thế giới khác. Nhìn rạp hát Trưng Vương bên cạnh khu giải trí và nhà lao Con Gà, cứ như bây giờ thấy nhà hát Con Sò bên Úc - tựa một kỳ quan!
Hơn 5 năm trước, lúc cha tôi còn sống, mỗi bận đèo ông quanh Đà Nẵng, tôi chạy hết đường ven vịnh Thanh Bình ra Mỹ Khê rồi quay lại các khu phố mới ở Khuê Trung, Hòa Cường cho ông thấy sự thay đổi nhanh chóng của một đô thị. Ông bảo: "Đà Nẵng hồi nớ chỉ như lòng bàn tay. Giờ thả tau đi một mình chắc lạc!".
Tôi cũng có lần đi lạc giữa Đà Nẵng, huống hồ những ai đi lâu mới về như bạn tôi. "Đà Nẵng thay đổi nhanh quá!" - bạn tôi thốt lên.
Đường Thành Thái (nay là Trần Quốc Toản) có mấy quán ăn món Hoa. Đường Phan Đình Phùng có kem Diệp Hải Dung. Đường Yên Bái có khách sạn OK gần phở Cấp Tiến. Bánh mì Ông Tý, cà phê Xướng, nhà sách Văn Hóa, phở bò viên Thái Ngư ở ngã tư chợ Cồn; Thế giới Tửu gia, nhà hàng Thời Đại gần nhà thờ Con Gà. Mấy khu nhà "chính phủ" dọc đường Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm; khu chợ Hàng Heo gần kho đạn với con đường "ngắn nhất" Đào Duy Từ… giờ đâu mất rồi hè?
Những cái tên, những địa danh bạn tôi hỏi trong nỗi hoài cổ đó đã "thương hải biến vi tang điền" qua tháng năm quặn mình thay đổi của Đà Nẵng. Tôi xấu hổ lúc lạc đường trong phố cũ nhưng bạn tôi thì không. Anh đăm đắm với nhiều cái tên đã trở thành thân thuộc của tuổi thơ chúng tôi những năm 1950-1960. "Chính những kỷ niệm, nỗi nhớ giản dị mà không phai lợt đó đã được định nghĩa là quê hương, là tình yêu của mỗi người. Đó cũng là Đà Nẵng của tôi" - anh xúc động.
2.Ngồi nhớ lại câu ca dao xưa của Đà Nẵng: "Chiều chiều mây phủ Sơn Chà/ Lòng ta thương nhớ bạn, nước mắt và trộn cơm…", tôi nghĩ đến các trận bão Chanchu, Xangsane hơn chục năm trước. Cuồng phong và biển khơi cho tới bây giờ đã cướp đi sinh mạng bao nhiêu ngư dân trẻ Đà Nẵng? Bao nhiêu thiếu phụ "hồn treo cột buồm" ngóng trông về phía mặt trời mọc mỗi ngày? Những dải mây màu lụa nõn phía xa kia đẹp bao nhiêu dưới cái nhìn của các thi sĩ thì cũng chừng ấy nỗi lo lắng của những người tình quê biển ngóng chờ bạn ở khơi xa.
Một nền kinh tế biển bao giờ sẽ trở thành sự kiêu hãnh của người Đà Nẵng? Chỉ riêng chuyện khai thác hải sản thôi thì bao lâu nữa, sẽ có những đội hải thuyền với trang thiết bị đánh bắt, chế biến, cung ứng dịch vụ hiện đại có thể ở năm - ba tháng giữa đại dương? Lúc đó, những chiếc thuyền gỗ vài mươi sức ngựa, những chiếc thúng chai câu mực sẽ nghỉ chân ở góc bảo tàng nghề cá nào?…
Giữa những bước nhảy vọt về hạ tầng đô thị, người lao động Đà Nẵng rõ ràng đang còn lạc bước trên đường đến tương lai. Câu ca cũ lắm rồi nhưng số phận ngư dân từ rất lâu vẫn chưa thay đổi bao nhiêu.
Sao mà buồn thế! Nhà thơ Phạm Hầu khi lên Ngũ Hành Sơn, đứng ở Vọng Hải đài nhìn ra bốn hướng cũng buồn rười rượi: "Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai?".
Ai ở xa lòng quanh ta xin đừng lạc bước. Lúc sinh thời, nhà văn Nguyễn Văn Xuân rất tâm đắc với bài "Tỉnh quốc hồn ca" của cụ Phan Châu Trinh. Ông nhìn nhận: "Trước Phan Châu Trinh, chưa ai vận dụng lý trí sắc bén để luận giải thật rành mạch những mặt yếu thâm căn cố đế trong hiện trạng văn hóa, xã hội và tâm lý dân tộc, trình bày chúng thành hệ thống và gọi hẳn ra tên của từng loại "bệnh", chỉ cho mọi người biết đấy là những căn bệnh tiên thiên của người Việt Nam. Quan trọng hơn, cũng chưa một ai dám lần đến tận cội nguồn, xác định những căn bệnh ấy đều là hậu quả của tệ nạn trầm kha lâu đời của xã hội phong kiến".
Hãy đọc lại cụ Phan của năm 1922: "… Người khanh tướng, kẻ tấn thân/ Trăm nghề, hỏi có trong thân nghề nào? Chẳng qua là quơ quào ba chữ/ May ra rồi ăn xớ của dân…" hay "… Người Á chẳng am tường sử Á/ Học Âu chưa khám phá tình Âu/ Vậy mà tự đắc tự cao/ Tưởng mình như thể ngôi sao giữa trời…".
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân trăn trở: "Gần một thế kỷ qua rồi mà mỗi lần đọc lại "Tỉnh quốc hồn ca" vẫn thấy tính thời sự đầy ắp. Đó cũng là một tuyên ngôn đổi mới còn nguyên giá trị cho đến bây giờ".
Nhìn quẩn quanh, nghĩ cho hết nước mới thấy khi một nhà thơ Quảng đang đặt vấn đề với "phía xa lòng" thì một nhà tư tưởng Quảng khác lại nhắm thẳng vào những thói hư của cả dân tộc mà lên án. Thế nhưng, vẫn còn đó trên các con đường thân quen của Đà Nẵng những bước chân đi lạc ngay trong suy nghĩ, cách sống của bao nhiêu người quanh ta. Bởi vậy, câu "Tôi vẫn còn nặng nợ với đời" mà ông Xuân từng nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn có lẽ bộc lộ rõ nhất nhân sinh quan của một trí thức, một nhà Quảng Nam học luôn biết rõ lối đi của mình.
Chúng ta còn nợ như nhà văn không khi vô tình yên lặng với việc bê-tông hóa Bà Nà hay san ủi lá phổi xanh Sơn Chà cho những mục đích ngắn hạn? Chúng ta đã đi lạc hay đánh mất mình khi những làng quê, đồng ruộng vốn là các khu dự trữ để thoát nước mùa mưa lũ mà thiên nhiên tác tạo qua hàng ngàn năm bị san ủi cho những dự án nhân danh "Đô thị hóa".nhân danh "đô thị hóa"?
3. Vì từng đôi lần đi lạc giữa Đà Nẵng, tôi đã tìm đọc lại sách cũ, đã cầu cứu Thích Đại Sán lẫn Paul Doumer khi họ đến đây những thế kỷ trước.
Thích Đại Sán mô tả thuyền ông vào cửa biển Đà Nẵng những ngày đầu tháng 7: "Bên sườn núi vượn trắng nhảy nhót từng bầy… Xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít". Vị sư ca ngợi cảnh đẹp và làm nhiều bài thơ về chùa Tam Thai, về Ngũ Hành Sơn trước khi đi Hội An qua sông Cổ Cò: "Ta bình sinh du lịch khe động rất nhiều, thấy động này sạch và đẹp hơn hết". Rồi ông cảnh báo: "Một mai chẳng may bị bọn tục tử chú ý, bố trí quê mùa, điểm trang dơ dáy làm cho thần núi thất kinh, khách qua đường ái ngại thì lại đáng tiếc biết chừng nào".
Chỉ mấy dòng viết cách nay hơn 320 năm về Ngũ Hành Sơn, vị đại sư đã khiến chúng ta giật mình khi hình dung những gì đang diễn ra trên thực tế. Cảnh báo ấy đâu chỉ là dành riêng cho một địa chỉ cụ thể!
Hơn thế kỷ sau, năm 1819, C. Rey điều khiển chiếc thuyền buôn đầu tiên mang tên Henry vào cửa biển Đà Nẵng. Rey kể: "Chúng tôi bỏ neo ở Tourane ngày 24-6… Một số sĩ quan tàu Henry đã qua nhiều ngày đêm, không phải chỉ tại những làng quanh vịnh mà ở những nhà riêng của xứ này, mà không gặp bất cứ sự xua đuổi hay phiền nhiễu nào, ngược lại còn được tiếp đãi thật là thân mật và nồng hậu". Rey cũng ca ngợi sự sáng tạo, trí thông minh và khát khao đổi mới của người Việt lúc bấy giờ: "Khiếm khuyết của họ là vì những thầy đồ không muốn thế (đổi mới) chứ không phải họ không có khả năng hay không muốn học".
Khi Rey đến Đà Nẵng thì chỉ có những ghe nhỏ mới vào được sông Cổ Cò để đi Hội An. Rey mô tả: "Ngồi lại nghỉ chân uống nước trong điếm canh trên đỉnh đèo (Hải Vân), nhìn xuống dưới chân là khung cảnh hùng vĩ của vịnh Tourane. Chiếc tàu của tôi trông chỉ nhỏ như một hạt dẻ". Rey còn tới Ngũ Hành Sơn "với những hang động kỳ diệu, đẹp tuyệt trần", biết đến làng nghề điêu khắc đá Non Nước hoạt động cách đây tròn 200 năm và trước đó nữa.
Viết về Đà Nẵng cách nay 120 năm, Toàn quyền Paul Doumer cũng ngợi ca vẻ đẹp của nơi này nhìn từ đèo Hải Vân: "Từ năm 1897 đến 1902, tôi đã đi qua đây rất nhiều lần. Tôi đã nhìn tất cả từ xa, thành phố, vịnh Đà Nẵng và hiếm khi thấy một không gian trắng mờ như thế… Đó là sương mù London vùng nhiệt đới trên độ cao 1.400 m".
Điều quan trọng là lúc đó, Doumer đã vay tiền chính phủ đến 200 triệu Franc để mở đường sắt qua đèo Hải Vân, xây dựng cảng Đà Nẵng, mở rộng thành phố và khám phá đỉnh cao Bà Nà. "Lẽ ra nơi này phải phát triển kinh tế nhanh chóng hơn. Ai là người chịu trách nhiệm cho một kết quả tồi như vậy, cho việc thiếu động lực và những sáng kiến tư nhân, thiếu cả những hành động thật sự? Chính quyền đang làm gì và họ đang ở đâu?" - những câu hỏi như vậy đã có từ 120 năm trước và tồn tại lâu dài.
Từ hơn một thế kỷ trước, Doumer đã nhìn thấy "Đà Nẵng có một vịnh lớn, sâu và tĩnh lặng che chở, trải ra trên một khu vực tuyệt vời của biển Đông, mở rộng từ đảo Hải Nam đến vịnh Bắc Bộ. Tất cả hoạt động mang theo sự giàu có từ Bắc tới Nam nhất định phải đi qua đây! Đó là cửa của Trung Kỳ nhìn ra thế giới để tận dụng lực đẩy kinh tế lớn mà các nước văn minh đem lại". Trong mắt ông, thiên nhiên đã tạo ra ưu thế cho Đà Nẵng và nó còn có thể kết nối với một vùng phía Tây rộng lớn qua Lào, Campuchia. Dự báo thiên tài đó ngày nay đã thành hiện thực với một Hành lang Kinh tế Đông Tây!
Chỉ tiếc rằng có những lúc Đà Nẵng đã đi lạc ra khỏi quỹ đạo phát triển mà lịch sử đã trao
cho nó!
Bình luận (0)