Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng người dân đập phá dải phân cách, xẻ ngang đại lộ để làm đường đi tắt diễn ra khá nhiều nơi trên địa bàn TP HCM.
"Có thấy ai phạt đâu"!
Đại lộ Nguyễn Văn Linh đoạn từ cầu Mã Voi đến Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) chỉ khoảng 3 km đã xuất hiện hàng chục lối đi tự phát xẻ ngang đường. Thậm chí, 3 con đường còn được người dân tự làm án ngữ ngay đoạn dốc 3 cây cầu lớn: Xóm Chiếu, Sập, Cần Giuộc.
Ban đầu, những con đường này chỉ là lối mòn. Về sau, để tiện việc qua lại, người dân đã tự ý đổ xi măng, tráng bê tông các đoạn qua dải phân cách và bãi đất trồng cây xanh giữa đại lộ. Từ khi những con đường tự phát này được hình thành, nhiều xe vô tư chạy cắt ngang luồng giao thông để qua lại hai bên. Vào giờ cao điểm, hàng trăm xe máy, xe đạp leo lên dải phân cách rồi băng qua đầu xe container, xe tải để xuống lối mòn dưới chân cầu trong khi lối lên xuống đường mòn khá nhỏ và dốc. Hơn nữa, mỗi khi lên hoặc xuống đường mòn, các phương tiện đều phải đi ngược chiều một đoạn khá dài trên làn ô tô.
Khi chúng tôi hỏi, một nam thanh niên đi xe máy băng qua đường mòn giải thích: "Nếu đi đường vòng cũng gần 2 km, mất 15 phút chạy xe. Đi tắt chấp nhận nguy hiểm chút mà nhanh hơn. Với lại, đi hoài mà có thấy ai bị phạt lần nào đâu nên tụi tôi cứ đi thôi".
Cách đó không xa, con đường tự phát dưới chân cầu Cần Giuộc rộng khoảng 3-5 m được đổ đá dăm và tráng bê tông. Bất chấp hiểm họa từ xe container, xe tải lao đến, hàng chục xe máy vẫn leo lên dải phân cách để qua đường.
Anh Trần Linh Hoàn (tài xế xe container) bức xúc: "Mỗi lần đi qua đường này, tôi luôn phải quan sát kỹ hai bên để tránh tông vào xe máy. Nhiều lần người ta phóng từ dưới dốc đường lên, tôi bẻ lái tránh mà muốn lật xe. Xe trọng tải lớn rất khó xử lý những tình huống bất ngờ như vậy nhưng nếu tai nạn xảy ra thì chúng tôi lại bị gọi là hung thần".
Trên đại lộ Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), một đoạn đường ray chạy cắt ngang được quy định chỉ dành cho xe lửa nhưng nhiều người vẫn thường xuyên sử dụng để đi tắt. Còn tại xa lộ Hà Nội, đoạn qua chân cầu Sài Gòn (quận 2), nhiều người đi bộ, khách đón xe buýt leo dải phân cách, đi tắt qua lại hai bên đường tạo thành một lối mòn. Nhiều xe máy cũng vô tư leo lên đường mòn này để di chuyển. Dòng xe cộ lưu thông tốc độ cao để lên dốc cầu Sài Gòn thường xuyên phải thắng gấp để tránh những người điều khiển phương tiện... không sợ chết này.
Lưu thông vào đường cấm qua hầm chui Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM)
Một trong những con đường tự phát xẻ ngang đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh)
Người đàn ông “hồn nhiên” leo qua lan can dải phân cách trên Quốc lộ 13 (đoạn trước Trường Đại học Luật TP HCM, quận Thủ Đức)
Vô tư băng qua đường trước khu vực Bệnh viện Ung Bướu dù cầu bộ hành ở sát bên Ảnh: QUỐC CHIẾN - GIA MINH
Tiện đâu đi đó
Khu vực cầu vượt Cát Lái (quận 2) được thiết kế cho riêng ô tô di chuyển qua đại lộ Mai Chí Thọ để tránh ùn tắc. Các phương tiện xe 2 bánh phải chạy thẳng lên nút giao thông Thảo Điền rồi mới vòng sang đường nhánh để vào đại lộ.
Thế nhưng, nhiều người đi xe máy vẫn di chuyển lên nhánh A của cầu vượt Cát Lái. Cứ mỗi lần đèn đỏ lại có cả chục xe máy, xe đạp và cả người đi bộ phớt lờ biển báo cấm, leo lên nhánh A cầu vượt Cát Lái, chen chúc vào các khoảng trống xe container, xe tải như đùa giỡn với tử thần. Nếu phát hiện lực lượng CSGT chốt chặn, họ lại quay đầu xe, chạy ngược chiều để tránh.
Nhánh B1 cầu vượt Cát Lái hướng từ đại lộ Mai Chí Thọ ra xa lộ Hà Nội cũng xảy ra tình trạng tương tự. Cánh tài xế ô tô phải căng mắt quan sát mỗi khi qua đây.
Trong khi đó, hầm chui Điện Biên Phủ trên đường Trường Sa (quận Bình Thạnh) được phân luồng một chiều theo hướng từ quận 3 về quận Bình Thạnh. Các phương tiện di chuyển theo hướng ngược lại được bố trí di chuyển vòng lên đường Điện Biên Phủ xa hơn khoảng vài trăm mét. Ngại đi xa, hầu hết người đi đường bất chấp nguy hiểm và biển cấm, chạy trực tiếp vào hầm chui. Xe máy, xe đạp, xe ba gác... nhiều phía chen vào hầm, dẫn đến không ít trường hợp va chạm, tai nạn giao thông.
Không chỉ người đi xe máy liều mạng, trên nhiều tuyến đường tại TP HCM, người đi bộ cũng cược mạng sống để đi tắt băng sang đường. Vào giờ cao điểm, trên đường Điện Biên Phủ đoạn chân cầu vượt Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), sinh viên và người dân kéo nhau băng ngang qua, bất chấp dòng ô tô đổ dốc cầu với tốc độ cao. Chưa đầy 10 phút đứng ở đây, chúng tôi đã ghi nhận hàng loạt cú hãm phanh tránh gấp của các tài xế ô tô khi đi qua đoạn này.
Trên nhiều tuyến đường vùng ven như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), Quốc lộ 22 (quận 12), nhiều người cũng có thói quen leo dải phân cách để qua đường. Chiều 10-5, trên Quốc lộ 13 (trước Trường Đại học Luật TP HCM), chúng tôi thót tim khi chứng kiến một người đàn ông trung niên từ vỉa hè đột ngột xông thẳng qua đường rồi "hồn nhiên" leo qua lan can dải phân cách cao ngang đầu người. Nhiều ô tô đang chạy tốc độ cao bị bất ngờ đã phải thắng gấp, bóp còi inh ỏi.
"Khu vực này thường xuyên có người leo qua hàng rào để băng qua đường. Cách đó chỉ khoảng 100 m là đoạn dải phân cách hở, có kẻ vạch cho người đi bộ qua đường nhưng nhiều người cứ tiện đâu đi đó" - bà Đặng Thị Thanh (ngụ đường số 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cho biết.
Trên Quốc lộ 1 đoạn từ ngã tư An Sương đến cầu vượt Bình Phước, dù đường được lắp dải phân cách và trồng cây xanh để ngăn chặn tình trạng đi tắt nhưng nhiều người vẫn bẻ cây, cắt gỡ rào chắn làm lối qua lại vì ngại đi ngược lên cầu vượt Bình Phước cách đó khoảng 700 m. Đoạn qua khu vực chợ Nông sản đầu mối quận Thủ Đức thường xuyên có người chui rào, leo để ra vào chợ, đón xe cả hai chiều. Nhiều người mang vác hàng cồng kềnh vẫn cố luồn lách, leo trèo, băng qua làn xe cộ bất chấp tính mạng bị đe dọa...
Chê cầu bộ hành
Khu vực trước Bệnh viện Ung Bướu TP HCM (quận Bình Thạnh), dù có cầu bộ hành nhưng rất ít người sử dụng. Hầu hết nhân viên bệnh viện, bệnh nhân, người thăm nuôi bệnh đều chọn cách chen vào dòng xe cộ đang lưu thông để qua đường. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người cho rằng đi vậy là do thói quen hoặc để thuận tiện.
Bốn cầu bộ hành trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ quận Thủ Đức đến quận Gò Vấp, cũng rất ít người sử dụng dù được thiết kế khá thông thoáng, có mái che, trồng hoa cảnh….
Đội trưởng một đội CSGT Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM cho biết chưa từng xử lý vi phạm đối với những trường hợp băng qua đường không đúng nơi quy định. "Phần lớn họ là người ngoại tỉnh đến TP HCM, không quen sử dụng cầu bộ hành mà chấp nhận đi qua đường một cách nguy hiểm" - vị này nhận xét.
G.Minh - L.Phong
Bình luận (0)