Chiều 27-9, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động về việc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM đã cho 2 chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1996, quê Tiền Giang) và Ngô Thị Kiều (SN 2001, quê Đồng Nai) về nhà vào chiều cùng ngày.
Bị "gom" vì không có giấy tờ tùy thân
Trước đó, chiều 18-9, hai cô gái hẹn một người bạn nam đi uống cà phê ở quán MU (đường D, khu phố 5, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP HCM). Trong lúc họ đang ngồi tại đây thì công an phường Tam Bình bất ngờ kiểm tra hành chính quán cà phê này, đồng thời yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách. Do không đem theo CMND, chị Nhung và chị Kiều bị mời về trụ sở công an phường làm việc. Sau đó, 2 cô bị đưa đến lưu giữ tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM (quận Bình Thạnh).
Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM, nơi 2 cô gái bị lưu giữ từ ngày 18 đến 27-9 vì không xuất trình được giấy tờ tùy thânẢnh: THÀNH ĐỒNG
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Nguyễn Trọng Quốc, Chủ tịch UBND phường Tam Bình, xác nhận có vụ việc trên. Theo đó, chiều 18-9, tổ công tác Công an phường Tam Bình thực hiện kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kéo giảm tội phạm trên địa bàn. Tổ công tác đồng loạt kiểm tra khu vực chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức - địa bàn nhức nhối về các loại tội phạm, đặc biệt là người nghiện ma túy, sống lang thang.
Cùng thời điểm này, tổ công tác nghi vấn một số đối tượng tình nghi phạm tội ẩn núp tại quán cà phê MU (nằm trong khu chợ) nên tiến hành kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, thấy 2 cô gái trẻ không có giấy tờ tùy thân nên tổ công tác mời về trụ sở làm việc. Trong quá trình lấy lời khai, chị Nhung cho biết có mẹ làm việc ở TP HCM nhưng không biết địa chỉ cụ thể, còn chị Kiều nói không có người thân ở TP HCM.
"Hai cô gái khai báo vòng vo, không xuất trình được loại giấy tờ tùy thân nào. Họ nói có số điện thoại của cha mẹ và người thân nhưng khi yêu cầu liên hệ thì từ chối, không gọi cho ai. Công an phường tìm mọi cách thuyết phục nhưng họ vẫn không hợp tác" - ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, khoảng 20 giờ cùng ngày, do không thuyết phục được nên công an phường buộc phải phối hợp với cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội của phường lập hồ sơ đưa chị Nhung và chị Kiều vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM theo quy định của UBND TP HCM về việc quản lý người không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn.
Trái luật
Đối với vụ việc trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng chỉ trong thời gian ngắn, UBND phường Tam Bình đã xác định 2 chị Nhung và Kiều không có nơi cư trú ổn định là trái quy định pháp luật.
Theo quy định tại khoản 4 điều 2 Quyết định 29/2017/QĐ-UBND về quản lý người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP HCM thì "Người không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định". Để xác định 2 cô gái có phải là người không có nơi cư trú ổn định, trước hết, UBND phường Tam Bình phải tiến hành các bước xác minh theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 12 Nghị định 73/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ về hành vi vi phạm quy định về cấp và quản lý, sử dụng CMND và các giấy tờ tùy thân, trong trường hợp chị Nhung và chị Kiều không mang theo hoặc không xuất trình CMND, giấy tờ tùy thân khi có yêu cầu kiểm tra thì chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000-100.000 đồng.
"Việc làm vội vàng của UBND phường Tam Bình đã vi phạm quyền con người được Hiến pháp thừa nhận và bảo vệ. Cơ quan chức năng cần kiểm tra lại vụ việc trên, nếu phát hiện các cá nhân liên quan đến vi phạm thì phải xử lý nghiêm" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Quyết định 29/2017/QĐ-UBND, việc hồi gia phải được thực hiện ngay khi "có người thân trực tiếp đến nơi đang tập trung, quản lý đối tượng tiếp nhận".
Bình luận (0)