Đêm cuối tuần vừa qua, tôi ra ga Sài Gòn đón người thân. Một người đàn ông cũng đến đợi mẹ già từ miền Trung vào thăm trên chuyến tàu SE9.
Trời gần sáng se lạnh, nhà ga vắng tanh. Thời gian đợi tàu về, chúng tôi bắt chuyện làm quen. Người đàn ông kể mẹ anh đã ngoài 70 tuổi, nhiều bệnh do tuổi già khiến cụ đi đứng rất khó khăn. Nhiều năm nay, mỗi lần vào thăm con trai, bên cạnh sự háo hức sum họp thì việc di chuyển luôn là mối bận tâm lớn của hai mẹ con, nhất là những lúc xuống tàu ra cửa ga.
Khoảng cách chỉ trên dưới trăm mét nhưng lại là cực hình với người bị hạn chế vận động. Không có dịch vụ xe lăn có người đẩy, cụ phải lọ mọ cuốc bộ, xe chở hành lý thì có nhưng nhếch nhác, dằn xóc và không thuận tiện cho người già ngồi lên.
"Không riêng người già, những người khuyết tật cũng rất cần dịch vụ xe lăn có người đẩy. Nếu ngành đường sắt làm giống như hàng không, lập hẳn một đội chuyên nghiệp để đưa đón người có nhu cầu từ cửa tàu đến cửa đón/tiễn và ngược lại thì hay biết mấy" - anh nói.
Vào Google tìm các thông tin "dịch vụ xe lăn đưa khách của ngành đường sắt", "Ga Sài Gòn phục vụ khách bằng xe lăn", "Dịch vụ đón tiễn ở nhà ga"… đều không có kết quả nào thể hiện cơ quan chức năng đã tính toán và thực hiện việc trên.
Mỗi năm có hàng triệu lượt người di chuyển bằng tàu hỏa, trong đó không phải ai cũng lành lặn và đủ sức khỏe. Họ rất cần một dịch vụ đón/tiễn chu đáo để yên tâm và hài lòng hơn khi lựa chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển vào Nam ra Bắc.
Mỗi lần bán vé, nơi ga đi chỉ cần hỏi hành khách có nhu cầu đưa đón không, sau đó nhập thông tin vào hệ thống để ga đến bố trí phương tiện đón người. Nhân viên đẩy xe có thể trưng dụng từ đội ngũ vận chuyển hành lý tại các ga. Những nhân viên đó cần được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản cho công việc nhân văn của mình.
Như vậy, dù trả thêm tiền nhưng tin rằng những người đăng ký dịch vụ trên rất thoải mái bởi cách làm đầy trân trọng của ngành đường sắt.
Bình luận (0)