Chỉ cần một cú kích chuột, một thao tác chạm tay, lập tức hàng loạt thông tin, câu chuyện tiêu cực sẽ chui ngay vào tâm trí người trẻ để rồi khi đã tiêm nhiễm sâu sắc, nó sẽ điều khiển chính con người trong vô thức bởi câu hỏi: "Vì sao người ta làm được mà mình lại không thể?". Những tiêu cực của mạng xã hội đang tích tụ thành một khối u khó chữa nhưng đó không phải là lỗi của sản phẩm công nghệ mà chính là lỗi của người dùng.
Mới đây thôi, cộng đồng mạng xôn xao trước tin tức "chàng trai vàng của làng đẻ". Cậu học sinh lớp 10 bỗng trở thành tâm điểm chú ý khi bị biến thành nhân vật chính làm 4 nữ sinh mang thai. Cái xấu lan nhanh, tin tức nóng hổi trôi tuột trên mạng, người ta chia sẻ và bình luận về nam sinh ấy, không cần nghĩ đến việc một đứa trẻ lớp 10 có thể chịu đựng nổi luồng dư luận chỉ trích khổng lồ như thế không?
Nhiều nước trên thế giới đã nhận ra mối nguy của mạng xã hội và đang ra sức chấn chỉnh mặt trái của nó. Ví dụ ở Úc, bất cứ ai bị phát hiện dùng mạng xã hội để đe dọa, quấy rối người khác… sẽ đối mặt với án tù lên đến 5 năm thay vì 3 năm như trước đây. Bên cạnh đó, các tội danh mới được thành lập để bỏ tù những thành phần cung cấp dịch vụ điện tử giúp phát tán văn hóa phẩm đồi trụy có nội dung trẻ em và những kẻ dùng dịch vụ bên thứ ba để chiêu dụ trẻ em cho hoạt động tình dục…
Việt Nam cũng là một trong những nước có nhiều "lỗ hổng" trong quản lý, sử dụng mạng xã hội. Trước những thách thức lớn của thời đại, không thể cứ mãi hô hào lý thuyết suông về văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Đã đến lúc phải mạnh tay ngăn chặn cái xấu bằng các chế tài xử phạt nghiêm khắc và các kế hoạch quy mô hơn, dài hơi hơn.
Nếu ví những điểm trừ xấu xí của mạng xã hội là cỏ dại thì những điểm cộng của không gian mạng là nụ hoa. Vườn hoa xanh mát ấy cần trừ diệt cỏ dại để nụ hoa khoe sắc, ngát hương.
Bình luận (0)