Sáng 29-5, theo chân cháu gái đến dự buổi lễ tổng kết năm học ở trường tiểu học, tôi ngỡ ngàng vì sức ép khủng khiếp từ số lượng học sinh (HS) đến nhận thưởng. Hội trường đông nghịt màu áo đồng phục.
Lễ tổng kết và phát thưởng hôm ấy chỉ dành riêng cho HS giỏi và xuất sắc. Đó là những HS có bài thi cuối năm đạt điểm 9, 10. Lớp cháu gái tôi có 42/43 HS được đến hội trường dự thưởng. Chỉ duy nhất HS bị điểm 8 môn toán, tiếng Việt đã nhận giấy khen trước đó, từ hôm tổng kết, liên hoan tại lớp.
Trò chuyện cùng phụ huynh đang chờ đợi bên ngoài hội trường, tôi và mọi người bật cười trước nhận định từ một người mẹ: "Con cháu chúng ta hôm nay quá giỏi!". Thật vậy ư?
Các cháu giỏi thật sự đó chứ! Bởi các cháu đang được tiếp cận với nguồn tri thức vô cùng rộng lớn trải đều qua các môn học. Các cháu được học đầy đủ các kỹ năng văn - thể - mỹ, có cơ hội mài giũa năng khiếu ở nhiều cuộc thi, nhiều sân chơi. Các cháu được rèn luyện trong môi trường đổi mới phương pháp học tập, được chú trọng trau dồi kỹ năng tư duy, giao tiếp…
Các cháu hơn hẳn chúng ta ngày xưa, biết nhiều thứ hơn, tự tin hơn. Lẽ dĩ nhiên, các cháu kiếm được điểm 10 và giành được danh hiệu HS giỏi nhiều hơn hẳn. Vấn đề là điểm 10 nhan nhản đến nỗi hễ cháu nào không đạt con điểm tuyệt đối ấy là bị ăn mắng "làm bố mẹ nhục", không được danh hiệu HS giỏi là y như rằng tăng tốc bồi dưỡng thêm trong hè.
Ngay giữa tâm điểm "mưa" điểm 10, "bão" HS giỏi ấy, phụ huynh không hề vui, thầy cô không hãnh diện và xã hội thì dị nghị, bàn tán. Bao nhiêu điểm 10 trong "cơn mưa" ấy là thực chất? Bao nhiêu danh hiệu HS giỏi trong "cơn bão" ấy là đánh giá đúng năng lực? Không ai dám đưa ra một con số chính xác! Thành tích ảo, chất lượng ảo đang âm thầm cuốn nhà trường, gia đình và xã hội trôi theo dòng chảy không hề phẳng lặng chút nào.
Mỗi kỳ họp phụ huynh cho con em ở lớp, chúng tôi lại được nghe những bản báo cáo thành tích đẹp, những con số tượng trưng cho hiệu quả giáo dục cao và là niềm tự hào làm nên thương hiệu của nhà trường, năng lực của đội ngũ giáo viên trong trường. Thế nhưng, thành tích và thương hiệu đó có lẽ chỉ là câu chuyện của quá khứ, khi mà căn bệnh thành tích đã ăn sâu trong giáo dục trở thành chuyện bình thường, ai cũng biết, ai cũng hiểu.
Mấy năm trở lại đây, cứ vào thời điểm cuối năm học, giáo dục luôn xôn xao câu chuyện "bệnh thành tích". Bởi cuối năm, cháu nào cũng lên lớp đều đều, cũng nhận phần thưởng và giấy khen, việc phụ huynh ảo tưởng về thành tích của con cái là điều hiển nhiên. Chính sự ảo tưởng đó đã làm các bậc cha mẹ đánh mất cơ hội bồi đắp những chỗ thiếu sót của con cái ở giai đoạn nền tảng ban đầu.
Và rồi những viên gạch nối nền tảng bị mục rỗng cũng đồng nghĩa với việc càng học lên cao, trẻ càng đuối sức, không theo kịp bạn bè, trở thành đối tượng "ngồi nhầm lớp".
Chống bệnh thành tích trong giáo dục vẫn luôn là vấn đề nóng hổi. Chỉ tiếc là đến tận bây giờ, vòng kim cô mang tên "chỉ tiêu" vẫn bó buộc người thầy một cách vô hình. Giấc mơ dạy học thực chất, đánh giá thực chất vẫn còn xa vời?
Bình luận (0)