Nằm bên hông chợ Cồn, chợ Hàng Heo được phần lớn người dân Đà Nẵng biết đến bởi đó là khu chợ bày bán đủ đặc sản của quê hương. Khu chợ gắn với bao thế hệ người Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế. Nhiều người đến chợ chỉ để tìm mua bó rau, củ nghệ hay nhúm lá nước xông... để hồi tưởng lại những ký ức ở quê hương giữa lòng phố thị.
Nét quê giữa phố
Chợ Hàng Heo nằm trên đường Ông Ích Khiêm (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), sát cạnh bên chợ Cồn, một ví trí đắc địa giữa trung tâm thành phố. Con hẻm dài khoảng 100m, rộng khoảng 4,5m ấy, đã hình thành một phiên chợ quê từ rất lâu đời. Trước đây, vốn dĩ khu chợ này là điểm tập kết heo chuyển từ các huyện của tỉnh Quảng Nam ra bán nên mới được thương lái đặt cho cái tên "chợ Hàng Heo" và được gọi cho đến bây giờ.
Gừng, củ nén, củ nghệ... được gánh từ quê ra phố bày bán ở chợ Hàng Heo - Đà Nẵng
Bà Trương Lệ Hiền (64 tuổi, người bán hàng ở chợ Hàng Heo) cho biết, trước thời điểm năm 1975, khu vực này là nơi các thương lái chở heo đến tập kết trước khi bán cho các lò mổ hay những người có nhu cầu chăn nuôi, vì vậy mà cái tên "Hàng Heo" ra đời. Sau năm 1975 thì chợ heo không còn và thay vào đó là chợ bán những sản vật từ các vùng quê của tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận.
Độc đáo chợ Hàng Heo giữa phố Đà Nẵng
Đó là những hàng bày bán hành tỏi, rau củ, các dụng cụ bằng tre nứa, thuốc nam... đều được trồng, được hái, được làm từ những vùng quê. Tên gọi "Hàng Heo" vẫn không thay đổi bởi các bà, các mẹ, các chị vẫn muốn gọi với sự hoài niệm, thân quen đã gắn liền với bao thế hệ người dân Đà Nẵng trong suốt thời gian dài qua. Họ không muốn mất đi giá trị mộc mạc và cũng không ai quên tên gọi thân thương đó.
Những gian hàng rất nhỏ, mớ hoa, mớ quả mướp hay vài con gà được mang từ quê ra phố
"Xã hội ngày càng phát triển nhiều con đường ngày càng khang trang, trong xanh, đẹp mắt và nhiều trung tâm thương mại, siêu thị mở ra ồ ạt nhưng con hẻm cũng như phiên chợ này không vì thế mà mất đi khách chính bởi sự thân thuộc, bình dị của nó" - bà Hiền trải lòng.
Bà Hoàng Thị Lê Thanh (1960) cho biết, những người từng sống ở đây rồi họ có đi ra các nước khi quay lại Đà Nẵng mình họ hay đi thăm quan chợ Cồn, chợ Hàn và chợ Hàng Heo vì đây là những chợ truyền thống, họ muốn tìm lại sự cổ xưa bởi giờ đây những ngôi chợ như này còn rất ít. Có lúc, nhiều cặp đôi cũng chọn chợ này để chụp ảnh cưới.
Nét độc đáo chợ quê
BàTrần Thị Năm (quê ở tỉnh Quảng Nam) thường gánh chuối đến ngồi ở khu chợ Hàng Heo để bán đã gần 20 năm rồi. Bà Năm thường bán chuối chín, chuối xanh...Những loại chuối bà bán đều được đặt mua từ những vườn nhà ở Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế...
Còn bà Lê Thị Thu Hương, người bán thuốc nam ở khu chợ này đã hơn 30 năm cho hay nhà bà theo nghề thuốc nam đã nhiều đời. Nhiều người dân ở Đà Nẵng khi cần mớ lá xông để trị cảm hay những lá thuốc mà ngày xưa ông bà thường áp dụng để chữa bệnh đều tìm đến khu chợ này. Bởi chỉ duy nhất ở chợ Hàng Heo, người mua mới tìm được đủ các loại lá thuốc Nam. Bà Hương còn nhận đặt hàng của khách, cần các loại lá thuốc gì, bà sẽ đặt và đem về bán.
Quầy thuốc Nam, một nét đặc sắc hiếm có ở chợ Hàng Heo
Đa số những người bán hàng ở khu chợ này đều là người của các tỉnh thành khác ra hay vô đây thuê nhà để bán hàng. Vậy nên các mặt hàng đều lấy từ quê nhà ra bán vừa đảm bảo lại vừa tươi ngon chất lượng. Chợ tuy nhỏ nhưng có rất nhiều mặt hàng khác nhau phục vụ nhu cầu cần thiết của người mua. Từ đầu hẻm đến cuối hẻm đều là những con người quê chân chất với những gian hàng nhỏ từng mớ rau, củ quả tươi ngon cùng hòa lẫn những mùi thơm của thuốc Nam. Chợ ở đây bắt đầu đông đúc vào lúc 1- 2 giờ sáng, thường thì sẽ đóng vào lúc 20 - 21 giờ còn vào những ngày tết thì về muộn hơn khoảng 22 - 23 giờ.
Ngày Tết, khu chợ trở nên nhộn nhịp hơn. Khách đến chợ tìm mua gừng quê về làm mứt, tìm mua quả gấc về nấu xôi hay tìm mua các loại ớt quê để làm tương ớt nhâm nhi ngày Tết. Giữa ồn ào phố thị, một khu chợ quê vẫn bình dị, níu chân du khách chính bởi nét chân quê, hồn hậu đến từ chính những người bán hàng và những đặc sản của quê hương.
Bình luận (0)