Đề án này đặt ra một số vấn đề rất quan trọng cần phải được thảo luận rộng rãi trước khi thông qua. Thứ nhất, trong quan niệm của Bộ GD-ĐT thì các cơ sở giáo dục trong tương lai sẽ dựa hoàn toàn vào học phí để thực hiện quá trình đào tạo, tức học phí sẽ trở thành nguồn thu duy nhất để bảo đảm chi phí đào tạo và như thế học phí sẽ ngày càng tăng chứ không giảm. Gánh nặng học phí sẽ ngày càng đè nặng lên vai gia đình của người học. Trong khi đó, tinh thần tiến bộ trong giáo dục là phải tăng thu ở những lĩnh vực khác như chuyển giao kỹ thuật, cung cấp các giải pháp công nghệ cho xã hội, nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng... để từ đó giảm mức học phí xuống đến mức tối thiểu có thể. Nhưng nội dung của đề án lại đi ngược hoàn toàn với tinh thần này. Như vậy, từ nay các cơ sở giáo dục sẽ rất “khỏe” vì chỉ làm mỗi một việc là “từng bước tăng học phí tiến tới bảo đảm chi phí đào tạo” chứ không cần phải làm chuyện gì khác cả.
Thứ hai, chúng tôi không hiểu dựa vào đâu để Bộ GD-ĐT đưa ra con số “mức học phí không quá 6% thu nhập bình quân đầu người”. Tại sao lại không là 5% hay 2% mà lại là 6%? Con số 6% này được tính toán như thế nào? Bộ GD-ĐT đưa ra cách tính học phí dựa trên thu nhập bình quân là điều cần phải xem lại vì đã không tính đến độ biến thiên trong thu nhập, tức chênh lệch về thu nhập trong dân số. Chẳng hạn với TPHCM, thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 2.500 USD. Trong đó, sẽ có người thu nhập 3.000 USD hoặc cao hơn. Ngược lại, sẽ có những người thu nhập 2.000 USD hoặc thấp hơn. Như vậy, nếu tính học phí trên cơ sở thu nhập bình quân thì những người có thu nhập thấp sẽ không đủ tiền đóng học phí cho con.
Bình luận (0)