* Phóng viên: Nhiều người vẫn còn chưa rõ đối tượng áp dụng của Nghị định 70/CP. Xin luật sư nói cụ thể hơn…
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Nghị định 70/CP ngày 22-8 của Chính phủ quy định, đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu (LTT) vùng là người lao động (NLĐ) làm việc ở công ty, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác có thuê mướn lao động (gọi chung là DN) gồm:
DN thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật DN (kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam).
HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.
* Có nghĩa Nghị định 70/CP áp dụng cho cả DN có vốn trong nước và vốn đầu tư nước ngoài chứ không phân biệt như trước đây?
- Đúng như vậy.
* Có bạn đọc thắc mắc DN của họ đặt trụ sở chính ở quận 1-TPHCM (vùng I) nhưng có xưởng sản xuất ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương (vùng II) thì công nhân ở xưởng sản xuất này hưởng LTT theo vùng nào?
- Hiện tại, Nghị định 70/CP vẫn chưa được Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành về việc áp dụng mức LTT vùng, cụ thể là tại Thông tư số 36 ngày 18-11-2010 của Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn thực hiện mức LTT vùng đối với NLĐ làm việc ở công ty, DN, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động thì NLĐ làm việc tại xưởng sản xuất ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương được áp dụng với mức LTT tương ứng với vùng mà xưởng sản xuất tọa lạc (không được áp dụng mức LTT vùng nơi trụ sở chính tọa lạc là quận 1 - TPHCM).
* Những DN đã trả LTT cao hơn quy định tại Nghị định 70/CP, có phải điều chỉnh không?
- Theo quy định tại điều 3 Nghị định 70/CP, mức LTT vùng được dùng làm căn cứ để xây dựng các mức lương trong thang lương, bảng lương; phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác do DN tự xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định. Vì vậy, nếu tại thời điểm mức LTT vùng theo quy định của Nghị định 70/CP có hiệu lực thi hành mà mức lương của NLĐ đã cao hơn mức LTT vùng mới, DN vẫn phải tiến hành điều chỉnh tăng lương cho NLĐ trên cơ sở thang lương, bảng lương của DN. Ví dụ, một NLĐ làm việc trong một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại một quận của TPHCM đang hưởng lương có hệ số 2.1; nếu nhân với LTT vùng hiện tại (1,55 triệu đồng) thì tiền lương của họ là 3.255.000 đồng. Sắp tới khi điều chỉnh LTT vùng, cũng với hệ số lương 2.1 nhưng được nhân với 2 triệu đồng thì tiền lương của họ sẽ là 4.200.000 đồng.
* Các đơn vị sự nghiệp có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động có phải áp dụng Nghị định 70/CP không?
- Như tôi đã nói ở trên, do chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ LĐ-TB-XH nên quy định tại khoản 2, điều 1 của Nghị định 70/CP (đối tượng áp dụng là “các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động”) chưa rõ ràng. Đề nghị sắp tới, Bộ LĐ-TB-XH nên hướng dẫn cụ thể hơn để các đơn vị sự nghiệp, nhất là đơn vị sự nghiệp có thu, nắm rõ để thực hiện.
* Rất nhiều cán bộ công chức thắc mắc họ có được điều chỉnh LTT vào ngày 1-10 tới không?
Mức lương tối thiểu từng vùng - Vùng I: 2.000.000 đồng/tháng. - Vùng II: 1.780.000 đồng/tháng. - Vùng III: 1.550.000 đồng/tháng. - Vùng IV: 1.400.000 đồng/tháng.
Chi tiết về các vùng LTT, mời bạn đọc xem trên Báo Người Lao Động điện tử tại địa chỉ: nld.com.vn. |
Bình luận (0)