Ngày 12-8, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết bộ vừa chính thức trình Chính phủ phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) khối doanh nghiệp (DN), dự kiến thực hiện từ ngày 1-10. Lần tăng mức LTT này sớm hơn so với lộ trình 3 tháng. LTT trong khối DN ở khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước sẽ được hợp nhất.
Tăng 50.000 - 100.000 đồng so với dự kiến
Theo phương án này, mức LTT sẽ được điều chỉnh cao nhất là 2 triệu đồng/tháng (vùng 1); 1,78 triệu đồng/tháng (vùng 2); 1,55 triệu đồng (vùng 3) và vùng 4 là 1,44 triệu đồng. So với mức điều chỉnh dự kiến được đưa ra trước đây thì vùng 1 đã tăng thêm 100.000 đồng và vùng 2 tăng thêm 50.000 đồng. Việc tăng thêm này được quyết định sau khi Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến DN, cơ quan quản lý và tổ chức Công đoàn.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, phương án trên được tính toán dựa trên nhiều yếu tố như GDP, CPI và mức tiền công trên thị trường năm 2011 của một số công việc giản đơn. Phương pháp xác định mức LTT (chi phí tối thiểu cho bản thân người lao động và chi phí nuôi con) dựa trên điều tra mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê công bố và có thể bảo đảm được mức sống tối thiểu và tiền lương thực tế của người lao động.
Tác động đến việc làm
Trước khi đưa ra mức điều chỉnh, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã tính toán đến sự tác động của lương mới tới người lao động và DN. Theo phân tích của Thứ trưởng Phạm Minh Huân, không chỉ người lao động mà hiện DN cũng rất khó khăn. Việc tăng lương phải tính tới khả năng chi trả của DN. Việc điều chỉnh LTT cũng ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề việc làm. Nếu tăng lương cao quá, DN không chịu đựng được, phải cắt giảm lao động thì cơ hội việc làm của người lao động cũng sẽ bị thu hẹp.
Về khả năng “chịu đựng” của các DN, ông Huân cho rằng các DN lớn ít bị ảnh hưởng nhưng các DN nhỏ sẽ gặp khó khăn. DN sử dụng đông lao động thì chi phí về lương rất lớn, nhất là các DN gia công, may mặc, da giày…
Bình luận (0)