Tại hội nghị sơ kết cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì TP sạch và giảm ngập nước", báo cáo cho thấy qua 6 tháng, TP đã xử lý dứt điểm 277/369 điểm đen về rác thải. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của TP. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nơi, người dân thản nhiên vi phạm.
Nơi nào cũng thấy rác
Cơn mưa trưa 12-5 khiến cả đoạn đường tại giao lộ Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai (phường 5, quận 3) ứ đọng nước. Người dân khu vực trên cho biết nguyên nhân chính là do miệng cống trước số nhà 454 Nguyễn Thị Minh Khai lâu ngày không được nạo vét nên rác, lá cây bít hẳn miệng cống. Cách đó không xa, miệng cống trước số 350 Nguyễn Thị Minh Khai cũng "ngậm" đầy rác, đặc biệt có 2 trái dừa đã uống bị ai đó ném thẳng vào miệng cống này. Còn trước cổng Bệnh viện Nhi Đồng 1 (quận 10), rác từ những gánh hàng rong ngập đầy; miệng cống chứa đầy thức ăn thừa ôi thiu, bốc mùi tanh hôi.
Tình trạng rác dồn đống, bịt kín hố ga và miệng cống xuất hiện trên rất nhiều tuyến đường của TP. Tại nút giao Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Văn Lạc (quận Bình Thạnh), ghi nhận vào sáng 13-5 cho thấy dưới chân trụ đèn tín hiệu giao thông là hàng chục bao rác chất đống dù có bảng thông báo cấm xả rác. Trên đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn gần giao lộ với đường Nguyễn Xí, nhiều miệng cống bị chất đầy rác thải, lổn nhổn vỏ hộp, chai nhựa, bọc ni-lông...
Ngoài ra, nhiều quán nhậu, quán cà phê sát bờ sông hoặc lấn chiếm vỉa hè cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn xả rác. Không khó để ghi nhận hình ảnh thức ăn thừa, nước thải, khăn lau được vô tư đẩy xuống nền đất, lòng đường, miệng cống ở những nơi này. Hơn thế nữa, dọc các chân cầu ven sông, dọc một số con kênh, mương (kênh Tô Hiệu, đoạn giao lộ Phan Anh - Tô Hiệu, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú; hệ thống mương thoát nước chảy qua khu dân cư dọc đường ray tàu hỏa đi qua quận Thủ Đức…) là bãi tập kết rác, từ ngoại cỡ như gương, tủ, kính, ghế salon cho đến rác thải sinh hoạt hằng ngày, xác động vật…
Rác chất đống ở trụ đèn tín hiệu giao thông Xô Viết Nghệ Tĩnh- Nguyễn Văn Lạc (ảnh: GiIA MINH)
Rác từ trong ý thức
Khi được hỏi về sự xuất hiện của những thanh gỗ che kín miệng hố ga trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, bà Lê Thị Thảo (55 tuổi, quận 1) trả lời: "Giờ không che lại thì chỗ đó bốc mùi hôi thối không chịu được, ruồi bọ bay lung tung mất vệ sinh. Miệng cống, hố ga đen ngòm, ngậm toàn rác thì chúng tôi phải dùng những biện pháp như vậy để giảm bớt phần nào sự khó chịu đó thôi".
13 giờ 30 phút ngày 13-5, dưới nắng trưa, bà Vân (50 tuổi, nhân viên vệ sinh thuộc Công ty Pan Service - đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sinh cho Bệnh viện Ung Bướu TP HCM) vẫn miệt mài quét dọn rác ở khu vực trước cổng bệnh viện. "Thay vì bỏ rác vào thùng, nhiều người vứt thẳng xuống đường nên thùng rác thì trống trơn còn mặt đường lại nhếch nhác. Có người được nhắc nhở thì thản nhiên bỏ đi, mặc kệ có ai dọn dẹp hay không" - bà Vân kể.
Ý thức người dân kém là ý kiến của nhiều người khi được chúng tôi hỏi. "Một số người ngang nhiên đem rác sinh hoạt vứt ở cống thoát nước, biến nơi đây thành bãi rác lộ thiên. Tôi nhắc, họ nói tôi lo chuyện bao đồng. Hễ mưa lớn, nước ngập sâu biến tuyến đường này thành rốn ngập khu vực phía Đông TP" - chị Mai Hoa (ngụ đường Tô Ngọc Vân, phường Linh Đông, quận Thủ Đức) cho biết.
Còn ông Dụng Tiến Minh (ngụ quận Thủ Đức) bức xúc: "Nhiều người lười biếng, chỉ biết giữ vệ sinh cho nhà mình, đem rác vứt đầy mương thoát nước. Đến lúc mưa, nước không thoát được thì lại trách chính quyền không quan tâm chống ngập. Tôi cho rằng việc giáo dục ý thức cho người dân lâu nay chưa được tổ chức thường xuyên, sâu rộng nên ý thức bảo vệ môi trường của một số người dân rất kém. Ngoài ra, cơ quan quản lý xử phạt chưa nghiêm, nhiều địa phương còn ngó lơ, không quan tâm đến".
Không hôi nhà mình là được (?!)
Nói về việc đem rác ra để trước đường, ông Nguyễn Văn Hựu (43 tuổi, quận Phú Nhuận) cho biết: "Tôi đi làm từ sớm, để rác qua ngày trong nhà thì hôi nên tôi thường gom lại rồi đem để trước đường từ chiều tối. Ở đây đều vậy cả, thấy ai để trước thì dồn lại một chỗ luôn cho mấy anh gom rác dễ dọn. Nếu lỡ rác vương vãi xuống miệng cống thì cống nào nghẹt, công nhân vệ sinh môi trường cũng phải xử lý thôi. Người ta thu tiền mình thì phải có trách nhiệm chứ. Không để rác hôi nhà mình là được".
Bình luận (0)