Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, khu vực nội thành có 5 hệ thống kênh rạch chính với tổng chiều dài khoảng 55 km đảm nhận chức năng tiêu thoát nước cho khu vực này.
Kênh rạch bị "bức tử"
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, hiện các tuyến kênh rạch có bề rộng hẹp, đáy kênh bị bồi lắng, ô nhiễm do rác thải từ các hộ dân sinh sống trên và ven kênh rạch cũng như ghe xuồng buôn bán trên sông. Tình trạng nhiều công trình xây dựng lấn chiếm hệ thống kênh, rạch, miệng cửa xả, hố ga và tình trạng xả rác xuống kênh, rạch còn phổ biến, dẫn đến hệ thống thoát nước bị thu hẹp dòng chảy, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng thoát nước, gây ngập cục bộ ở một số vị trí, khó khăn trong công tác nạo vét, duy tu và ô nhiễm môi trường, tác động không tốt đến đời sống của người dân.
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh nên một số tuyến sông, kênh, rạch bị san lấp để tạo mặt bằng xây dựng các khu dân cư, nhà máy, khu công nghiệp mà không được xây dựng hệ thống thoát nước hoặc hồ điều hòa thay thế tương ứng nên diện tích trữ nước đã bị giảm đáng kể.
Nhiều đoạn mương nước chảy qua khu dân cư (quận Thủ Đức) bị san lấp, ùn ứ bởi rác thải, bùn đất Ảnh: Ý LINH
Qua các đợt kiểm tra, dù đã xác định rõ mức độ vi phạm lấn chiếm của từng vị trí và đề xuất trách nhiệm xử lý khắc phục. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là việc xử lý lấn chiếm và san lấp kênh rạch.
Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp UBND các quận, huyện tập trung giải tỏa cục bộ những điểm lấn chiếm kênh, rạch, cửa xả, hố ga nghiêm trọng; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp xả rác, lấn chiếm, xây dựng và các hành vi xâm hại đến kênh rạch và hệ thống thoát nước; phối hợp tuyên truyền bằng những giải pháp hợp lý tới từng hộ dân. Đồng thời, Sở Xây dựng tập trung thực hiện công tác duy tu, nạo vét nhằm bảo đảm thông thoáng dòng chảy...
Đối thoại trực tiếp với người dân
Về kinh nghiệm trong việc vận động người dân không xả rác, UBND quận 10 cho biết trong nhiều năm qua, nhiều giải pháp cải thiện môi trường, cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư đã góp phần xây dựng cảnh quan ngày càng xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, hành vi xả rác không đúng nơi quy định vẫn diễn ra hằng ngày, các điểm tập kết rác không bảo đảm vệ sinh, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.
Từ thực tế trên, quận 10 đã tổ chức đối thoại với người dân nhằm lắng nghe các nguyện vọng về giữ gìn vệ sinh nơi cư trú; làm cho người dân thấy việc xả rác ra đường và kênh rạch không phải là "chuyện nhỏ", mà có tác động nghiêm trọng đến môi trường sống và là hành vi vi phạm, bị xử phạt theo quy định. Vận động người dân phê phán, tố giác các hành vi xả rác ra môi trường. Việc đối thoại cũng nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm những bức xúc của người dân về vệ sinh môi trường khu dân cư.
Tổ chức đối thoại với người dân tại các điểm hay phát sinh ô nhiễm. Qua đó, tạo sự chuyển biến về vệ sinh môi trường, nâng cao vai trò, trách nhiệm và ý thức của cộng đồng. Tính từ thời điểm triển khai đến nay, quận đã tiếp nhận 439 tin do người dân cung cấp và hầu hết các phường, khu phố đã xử lý kịp thời. Cũng qua việc đối thoại, giúp phường và quận nắm lại giờ thu gom rác, thống nhất để việc thu gom, chuyển giao rác phù hợp, hạn chế tình trạng để rác trước nhà nhiều giờ.
Nhờ đó, quận 10 đã tập trung giải quyết và xóa được 19 "điểm đen" về rác thải. Không để tái diễn và phát sinh điểm mới, cơ bản hạn chế thấp nhất tình trạng rác tập trung tại vỉa hè, gốc cây, miệng cống. Dần dần hình thành cho người dân thói quen và ý thức tự giác chấp hành không xả rác, "mắt thấy rác, tay lượm liền".
Quét xong, quay lại thu gom hơn 10 thùng rác
Theo ông Lê Anh Hải, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Dịch vụ công ích (DVCI) quận 3, dù đội ngũ công nhân vệ sinh quét đường từ 22 giờ đêm hôm trước đến 3-4 giờ sáng hôm sau nhưng vừa xong 1 giờ, công nhân quay lại vẫn thu gom hơn 10 thùng rác loại 660 lít từ những người tập thể dục, đi đường...
Còn ông Cao Triều Yên, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Công ích quận 6, cho biết rất nhiều người đem rác sinh hoạt trong nhà bỏ vào thùng rác công cộng, dùng không đúng tính năng của thùng rác này. Nhiều trường hợp xả rác bừa bãi bị nhân viên vệ sinh chụp hình đem về công ty thông báo cho địa phương vận động, nhắc nhở nhưng phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần, họ mới ngừng bỏ rác. "Để hạn chế thói quen xả rác bừa bãi, chế tài xử phạt đã có nên rất cần địa phương mạnh tay trong việc xử phạt để đường phố sạch đẹp hơn" - ông Yên kiến nghị.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-5
Bình luận (0)