Sau những ngày ra quân quyết liệt đòi lại vỉa hè, ngày 22-3, theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn các tuyến đường ở TP HCM đã thông thoáng. Những phần xây dựng vi phạm, lấn chiếm vỉa hè được lực lượng chức năng xử lý hoặc người dân tự nguyện thực hiện.
Hơn 90% người vi phạm tự khắc phục
Theo ghi nhận trên đường 3 Tháng 2 (quận 10), Trần Hưng Đạo (quận 5), Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Du, Võ Văn Kiệt (quận 1)…, vỉa hè trước nhiều căn nhà đang được công nhân phá dỡ các bậc tam cấp lấn chiếm, sau đó lót lại gạch. Những nhà có bậc tam cấp lấn vỉa hè khi làm lại thường thụt vào nhà 1-2 bậc nhưng cũng có nhiều nhà lắp thêm bục đệm để dắt xe khi cần thiết. Những trường hợp khó khăn, không có điều kiện thì nhờ địa phương hỗ trợ máy móc, nhân công đến tháo dỡ.
Người dân tháo dỡ phần lấn chiếm trên đường Bác Sĩ Yersin, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương Ảnh: Như Phú
Tại quận Tân Phú, sau những đợt ra quân kiểm tra xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hơn 90% người vi phạm đã tự ý khắc phục tháo dỡ. “Chỉ cần nhắc nhở vài lời, người dân ở những tuyến đường mẫu đã cam kết tháo bỏ công trình lấn chiếm. Chưa kể một số hộ dân trong hẻm cũng tự giác thảo bỏ bậc tam cấp khi chính quyền chưa nhắc nhở” - bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết.
Đi trên các tuyến đường Tỉnh lộ 10, Tên Lửa, Kinh Dương Vương (quận Bình Tân)… cũng bắt gặp rất nhiều nhà tự thuê thợ đến đập bỏ tường và công trình lấn chiếm. Ông Võ Minh Trí (ngụ đường Tên Lửa) cho biết thấy những nhà lân cận tháo dỡ bục tam cấp xây trên vỉa hè nên hưởng ứng theo. “Chính quyền xử lý công bằng, tất cả cùng làm thì tôi cũng làm thôi” - ông Trí khẳng định.
Còn ở Hà Nội, khu phố cổ quận Hoàn Kiếm nổi tiếng về tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè nay hàng quán, phương tiện đã được sắp xếp ngăn nắp. Tại các tuyến phố như: Trần Phú, Xã Đàn, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng..., sau khi được quận thông báo và cho thời gian sửa chữa, nhiều hộ dân chấp hành, tự nguyện thuê người tháo dỡ bảng hiệu, phá bỏ những phần xây dựng, kinh doanh lấn chiếm; đồng thời xây dựng, chỉnh trang khu vực phá bỏ để trả vỉa hè lại cho người đi bộ.
Cơ quan nhà nước, cán bộ làm gương
Những ngày này, đi qua “con đường thời trang” Bác Sĩ Yersin (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng loạt căn nhà tháo dỡ, đập bỏ phần mặt tiền lấn chiếm vỉa hè.
Theo một cán bộ UBND phường Phú Cường, trong chiến dịch đòi lại vỉa hè, công tác tuyên truyền vận động là chính. Ban đầu, chính quyền gửi thông báo đến các hộ dân yêu cầu tự tháo dỡ phần lấn chiếm. Sau đó, phường thành lập một tổ công tác đến từng nhà đo đạc, chỉ ra phần lấn chiếm và vận động, thuyết phục người dân tháo dỡ trước mốc thời gian ấn định.
Trên tuyến đường Bác Sĩ Yersin còn có cả nhà người thân của một vị là phó chủ tịch tỉnh đương nhiệm, Ban Quản lý dự án TP, Ngân hàng Kiên Long… cũng tự đập bỏ, tháo dỡ phần lấn chiếm ngay khi vừa nhận thông báo của phường. Nhờ vậy, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. “Đập bỏ thế này thì nhà tôi mất gần cả chục mét vuông nhưng phải làm thôi. Đến nhà nguyên chủ tịch tỉnh mà cũng phải tự tháo dỡ phần tường rào kiên cố, mình sao không chấp hành” - một chủ hộ trên đường Bác Sĩ Yersin nói.
Nói về thành công này, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Nhà của cán bộ, quan chức lấn chiếm tự tháo dỡ trước thì dân ủng hộ, làm theo ngay. Hộ nào thiếu dụng cụ, chúng tôi cho mượn hoặc hỗ trợ tháo dỡ. Chúng tôi rất mừng vì đến giờ gần như không phải cưỡng chế ai”.
Được biết, sau khi hoàn thành tuyến đường Bác Sĩ Yersin, chiến dịch đòi lại vỉa hè của TP Thủ Dầu Một sẽ diễn ra trên các tuyến phố lớn khác là Phú Lợi, 30 Tháng 4, Lê Hồng Phong, đại lộ Bình Dương…
Làm bậc tam cấp ngầm
Sau khi phá bỏ bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè, nhiều hộ dân trên đường Lãnh Binh Thăng, Tôn Thất Hiệp (quận 11, TP HCM), Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh) đã tự nghiên cứu và ứng dụng việc xây dựng bậc tam cấp ngầm, thang ngầm vừa tiện ích, hiệu quả cao lại thẩm mỹ.
Những bậc tam cấp ngầm, thang ngầm được thiết kế đặt ngầm ngay dưới nền nhà; mỗi khi cần sử dụng, chiếc thang sẽ được kéo ra ngoài, xong lại đẩy vào trong gọn gàng và tiện lợi. Độ dài của thang phụ thuộc vào độ cao của nền nhà so với mặt đường, nếu thang sắt quá dài sẽ được thiết kế gập đôi, gập ba. Theo người dân nơi đây, chi phí làm mỗi bậc tam cấp ngầm, thang ngầm từ khoảng 400.000-500.000 đồng.
Q.Chiến
Hỗ trợ ổn định cuộc sống
Ở góc đường Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (quận 1, TP HCM) có tiệm sửa xe tồn tại trên vỉa hè gần 30 năm của ông Lê Đình Tâm.
Sau khi xuất ngũ vào năm 1986, ông Tâm làm nhiều nghề để kiếm sống, từ chạy xe ôm, đạp xích lô rồi cố định bằng nghề sửa xe trên vỉa hè đến tận hôm nay. “Cứ 4 giờ sáng, tôi đẩy xe đến, bày các vật dụng sửa xe ra, bắt đầu một ngày làm việc. Quần quật từ sáng đến tối, thu nhập mỗi ngày chừng 200.000-300.000 đồng, đủ lo cho các con ăn học” - ông Tâm kể.
Từ sau khi TP ra quân dọn dẹp vỉa hè, ông Tâm dời tiệm sửa xe vào sát bên trong, khách vắng hơn. “Ngày 24-3 là phải dọn luôn rồi. Tôi đang đi tìm mặt bằng nhưng chỗ ưng ý thì tiền thuê quá đắt. Tôi đang tính dời vào hẻm 547 Trần Hưng Đạo để sửa xe cho người trong xóm rồi làm thêm dịch vụ sửa xe di dộng. Mong ước lớn nhất của tôi là mở được một tiệm sửa xe và dịch vụ rửa xe, chi phí ước khoảng 50 triệu đồng, chứ giờ lớn tuổi rồi, khó chuyển đổi nghề khác lắm” - ông Tâm chia sẻ.
Theo ông Phạm Văn Thêm, Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Kho, phường đang giới thiệu cho ông Tâm nguồn vốn vay ưu đãi, tối đa khoảng 50 triệu đồng, để ông tiếp tục sửa xe, ổn định cuộc sống.
Tin-ảnh: K.Đin
Bình luận (0)