"Thầu xây dựng mà như chủ nợ, cứ hạch sách hết lần này đến lần khác thì sao chịu nổi. Từ hy vọng là tuyến giao thông huyết mạch tạo đà phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm của phía Bắc, nay dự án này trở thành của nợ không biết bao giờ vận hành" – bạn đọc Hoàng Thành Nam cảm thán.
Kiểm tra thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Mà quả đúng thế, chưa chở được một người khách nào nhưng tuyến đường sắt đầy tai tiếng này đang ngậm một nguồn vốn khổng lồ, làm trì trệ những dự án liên quan về giao thông. Bạn đọc với nichname Chunghuy 70 bày tỏ: "Dự án kéo dài thời gian, gây thiệt hại về kinh tế, tiền đã thanh toán 80%, giờ lại giở quẻ đòi 50 triệu USD là sao?".
Dự án tốn hơn 18.000 tỉ đồng, trong đó vay của Trung Quốc gần 14.000 tỉ đồng, nhưng hơn 10 năm vẫn ì ạch. Còn nằm ì ra đấy thì hậu quả của dự án càng lớn, tiền phải trả càng nhiều trong khi lợi ích mang lại bằng 0. Thậm chí, phát sinh thêm chi phí bảo trì, nỗi lo xuống cấp, chiếm dụng mặt bằng, tác động đến các dự án liên quan…
Hứa hẹn Hà Nội sẽ có một tuyến đường sắt hiện đại...
Bạn đọc Châu Liêm viết: "Đường sắt Cát Linh – Hà Đông mang lại lợi ích kinh tế to lớn như thế nào mà phải bỏ ra số tiền lớn như vậy? Ai chịu trách nhiệm đây?". Câu hỏi này đã được đặt ra nhiều năm nhưng quá khó để tìm câu trả lời.
Ban đầu đưa ra dự án, người dân khấp khởi mừng thầm vì có tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của quốc gia. Viễn cảnh vi vu trên các đoàn tàu hiện đại, phóng băng băng làm nức lòng bao người. "Thế rồi hoãn ngày vận hành, tăng vốn lên hơn gấp đôi, người dân ngờ vực. Hoãn lần thứ 2, thứ 3, rồi không bảo đảm an toàn vận hành, người dân từ buồn nản dần thất vọng và giờ thì chưa biết bao giờ lăn bánh… Không phẫn nộ mới là lạ. Cả tỉ USD chứ phải ít đâu" – bạn đọc Trần Thanh ngao ngán.
Người dân đã quá mệt mỏi với dự án này và có vẻ như các cơ quan chức năng không đủ nghiêm khắc với nhà thầu và những cơ quan Việt Nam tham gia dự án. Hợp đồng đã quy định cụ thể căn cứ vào đó mà thi hành chứ cứ mãi nhùn nhường trước một nhà thầu thi công thì họ sẽ càng ngày càng ngạo mạn.
Bạn đọc Trần Đăng Ẩn nêu: "Họ không thực hiện đúng hợp đồng, chây ì ra đó chẳng lẽ cứ ứng tiền mãi. Tôi nghĩ nên cứng rắn với họ". Cao Quan – một bạn đọc, mỉa mai: "Lạ nhất trong cơ chế thị trường: bên B yêu cầu bên A giao 50 triệu USD để bàn giao dự án". "Làm xong hết trả tiền nhé, đưa trước họ lại chây ì rồi mang thêm cục tức" – bạn đọc Phùng Nguyên bày tỏ.
... Nhưng chẳng biết bao giờ tuyến đường sắt này vận hành. Ảnh: Ngô Nhung
Ai cũng nhận thấy kéo dài thời gian vận hành thì ý nghĩa xã hội sẽ mất, ý nghĩa kinh tế cũng không còn, thậm chí dự án này sẽ liên lụy đến các dự án khác.
Chính phủ đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo về việc kiểm tra an toàn của đoàn tàu và ấn định cụ thể thời gian vận hành. Đáng tiếc, con tàu này "vẫn bất động và sẽ rỉ sét theo thời gian cũng như những cơ quan thực hiện nó: ì ạch và không chỉ rõ được trách nhiệm" – một bạn đọc nêu.
Bình luận (0)