Việc trao đổi qua - lại trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau là cần thiết, nhằm rộng đường dư luận, tránh tình trạng vì thiếu thông tin mà nhiều cư dân mạng suy diễn theo hướng tiêu cực.
Từ trường hợp này, tôi nhớ lại lần phỏng vấn một chuyên gia dịch tễ tại TP HCM hồi đầu dịch năm ngoái. Ông nói, đối với SARS-CoV-2, phần lớn các nhà khoa trên thế giới đều rơi vào hai nhóm: người dám nói thì không biết, người biết rõ thì không dám nói!
Cho đến trước khi biến thể Delta xuất hiện, thỉnh thoảng vẫn có những dự báo, chẳng hạn như COVID-19 sẽ thành cúm mùa vào cuối năm 2021. Và khi sự tàn khốc của nó xảy ra ở Ấn Độ, người ta - tức các chuyên gia hàng đầu về virus - dường như không dám đưa ra bất cứ một dự đoán nào về SARS-CoV-2 nữa. Hiếm hoi gần đây có tiến sĩ Larry Brilliant - nhà dịch tễ học thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - cho rằng đại dịch sẽ không thể kết thúc sớm do tỷ lệ dân số thế giới được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 còn khá khiêm tốn. Trong "dự báo" của mình, chuyên gia của WHO chỉ cho hay Delta chưa phải là chữ cái Hy Lạp cuối cùng để đặt tên cho các biến thể của virus và COVID-19 sẽ thành cúm mùa vào lúc nào thì chỉ có… trời mới biết!
Trở lại chuyện dự báo tình hình dịch COVID-19 ở TP HCM, một vị trong nhóm nghiên cứu đề cập đến khái niệm "cập nhật dự báo" và cho rằng dự báo dịch bệnh tương tự dự báo kinh tế (!?). Lý giải này cũng khó thuyết phục số đông công chúng, khi mà hai lĩnh vực khác xa nhau. Chúng ta có thể thấy những cái gọi là dự báo về giá vàng, thị trường chứng khoán, bất động sản… thường thấy bấy lâu nay do các chuyên gia kinh tế đưa ra phần lớn mang tính tường thuật thị trường. Lẽ nào "tường thuật" còn có tên khác là "cập nhật dự báo"?
Sai lầm trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, giáo dục, luật pháp… thường gây hậu họa lâu dài, có khi âm ỉ hàng thế hệ, giống như ngộ độc mạn tính. Còn đối với y tế, sai lầm trong điều trị, dự phòng hay dự báo thường có "màu sắc" cấp tính, hậu quả đánh đổi nhãn tiền bằng nhân mạng, sức khỏe, nguồn lực của toàn dân. Vì thế, dự báo về y tế - nhất là dịch bệnh - phải rất khác.
Đóng góp của các nhóm chuyên gia vào công cuộc phòng chống COVID-19 của cả nước và của TP HCM - trong đó có việc dự báo diễn biến, tình hình dịch bệnh - luôn được trân trọng. Đó là công việc khó khăn, dễ bị điều tiếng, nhất là khi tình hình thực tế về sau đi xa kết quả dự báo đã công bố trước đó.
Do vậy, bên cạnh yêu cầu quan trọng là thông số đầu vào phải chính xác, phương pháp nghiên cứu phải phù hợp thì những người thực hiện dự án dự báo cần phải thật thông thạo lĩnh vực chuyên môn, ở đây là y tế, về dịch tễ học và những ngành gần.
Còn nếu "trái tay" về chuyên môn thì nên từ chối...!
Bình luận (0)