Theo các chuyên gia pháp luật, hành vi vừa lái xe vừa mang giày của tài xế hãng xe Hoàng Long (Hải Phòng) vi phạm pháp luật, cần trừng trị nghiêm khắc.
Hành vi trái pháp luật
Theo luật sư Nguyễn Thanh Thanh, Đoàn Luật sư TP HCM, với hành vi của tài xế hãng xe khách nói trên, nếu đem đối chiếu với các quy định về Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thì không có bất cứ hình thức chế tài nào. Nếu xét trên phương diện xử lý hình sự càng không có cơ sở pháp lý xử lý khi không có hậu quả xảy ra, dù biết rằng hành vi của vị tài xế này là vô cùng nguy hiểm đối với tính mạng của nhiều hành khách và xã hội. Vì vậy, để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm đối với hành vi trên của tài xế là rất khó.
Đó là lý do vì sao Việt Nam luôn là một trong những nước có số người chết vì tai nạn giao thông cao nhất thế giới. Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là do người tham gia giao thông chủ quan, bất cẩn, vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và các nguyên tắc điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như: phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia; đi mô tô, xe máy dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4 người, không giảm tốc độ khi đi từ đường phụ ra đường chính.
Hành vi của vị tài xế này rõ ràng là trái pháp luật khi coi thường tính mạng của hành khách và những người tham gia giao thông, gây hoang mang trong dư luận nhưng để xử lý vi phạm thì lại không có quy định. Do đó, cần phải có chế tài khắt khe, thậm chí xử phạt hình sự đối với những tài xế coi thường tính mạng hành khách và những người tham gia giao thông, ví dụ như tước giấy phép lái xe, cấm hành nghề tài xế vĩnh viễn, hoặc nếu có dấu hiệu về hình sự có thể bị khởi tố.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng với tình huống này, tài xế không những vi phạm về luật mà còn vi phạm về đạo đức xã hội. Hành vi này có thể ngay lập tức gây ra một hiểm họa khôn lường. Đó là một tai nạn thảm khốc hoàn toàn có thể xảy ra do mất lái, do va chạm với xe phía trước hoặc chướng ngại vật, làm cho chính tài xế, hành khách và bên thứ ba có thể bị tổn thất nghiêm trọng về nhân mạng, sức khỏe và tài sản; làm tắc đường, giao thông bị gián đoạn mà xã hội bị mất một khoản chi phí lớn để khắc phục; có thể có tình cảnh con mất cha, vợ mất chồng; sẽ mất một thời gian dài sau đó để xử lý hậu quả pháp lý do tai nạn này gây ra; chưa kể, di chứng của nó sẽ đeo đẳng cho cộng đồng cho hàng chục năm sau.
Do đó, với hành vi trên, cần linh động áp dụng Luật Giao thông đường bộ để xử lý. Cụ thể, áp dụng khoản 5 điều 4 và khoản 23 điều 8: “Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”; cấm “Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Ngoài ra, có thể áp dụng khoản 4 Điều 202 Bộ luật Hình sự: “Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
"Theo tôi, để phòng tránh, điều cốt yếu là cần phải dạy luật, kiểm tra chặt chẽ các điều kiện để được tham gia giao thông của tài xế trước và khi tham gia giao thông; xử phạt nghiêm minh khi có hành vi vi phạm bởi cơ quan công quyền. Đồng thời, cũng cần phải truyền thông rộng rãi nhằm cảnh tỉnh và răn đe chung trong công chúng"- luật sư Cường nói.
Bình luận (0)