xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng chỉ biết phàn nàn nhà vệ sinh công cộng: Đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu

Anh Vũ ghi

Nên chăng lồng ghép xây dựng đồng bộ nhà vệ sinh công cộng trong các dự án giao thông, công viên, phát triển mảng xanh, nơi sinh hoạt cộng đồng

Bạn đọc Đỗ Ngô Trần:

Lồng ghép xây NVSCC với công trình cộng đồng

Không gian nội đô TP HCM hiện đã quá tải, hầu hết các quỹ đất đều được xây dựng công trình kinh doanh thương mại dịch vụ cùng với nhiều dự án giao thông cửa ngõ có quy mô lớn được triển khai nhưng thiếu nhà vệ sinh công cộng (NVSCC). Nơi sinh hoạt cộng đồng, công viên, mảng xanh lắm khi cũng thiếu NVSCC.

Nên chăng lồng ghép xây dựng đồng bộ NVSCC trong các dự án giao thông, công viên, phát triển mảng xanh, nơi sinh hoạt cộng đồng. Với các khu vực hiện hữu vẫn có thể xã hội hóa NVSCC, không cần phải sử dụng ngân sách. Đó là đổi quảng cáo, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, khai thác dịch vụ. TP HCM từng có chủ trương xã hội hóa NVSCC và đã thành công với NVSCC "5 sao" mở cửa phục vụ miễn phí, luôn có người túc trực dọn dẹp vệ sinh, trung bình mỗi ngày có từ 300 - 500 lượt người sử dụng. Cách làm này đã góp phần tăng cường NVSCC, nâng cao chất lượng quản lý.

Vì vậy, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư NVSCC lồng ghép với các dự án phục vụ cộng đồng tại các khu đất có sẵn và khai thác dịch vụ. TP HCM cần nghiên cứu một cách thấu đáo và có những quyết sách phù hợp. Nên giao nhiệm vụ cho một cơ quan chức năng làm đầu mối nghiên cứu xây dựng các tiêu chí và hình thức quản lý, sử dụng, khai thác, thời gian thu hồi vốn. Sau đó, tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Như vậy, vừa có NVSCC phục vụ du khách, nhà đầu tư có lợi nhờ khai thác mặt bằng, khai thác dịch vụ…, đồng thời mang đến nguồn thu cho ngân sách và hình ảnh đô thị văn minh.


Đừng chỉ biết phàn nàn nhà vệ sinh công cộng: Đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu - Ảnh 1.

Đừng xem nhà vệ sinh công cộng là công trình phụ bởi nó đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người Ảnh: Lê VĩnhLuật sư Trương Văn Tuấn:

Phải bảo đảm tiện ích, mỹ quan

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho hành vi tiểu tiện bậy tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Thực tế, các trường hợp bị xử lý rất ít, góc phố, công viên nồng nặc mùi hôi thối, mà nguyên nhân chính là thiếu trầm trọng NVSCC và ý thức người dân còn kém.

Ở góc độ đầu tư công, tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…, cần nghiên cứu điểm đặt NVSCC ở những nơi có lượng dân di chuyển lớn, mẫu thiết kế NVSCC theo hướng hiện đại, bảo đảm yêu cầu về sự tiện ích, mỹ quan đô thị và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, cần lập phương án đầu tư, vận hành và quản lý.

Đồng thời, thực hiện xã hội hóa NVSCC để tìm sự chung sức của các doanh nghiệp nhưng cần lưu ý vai trò quản lý nhà nước trong giám sát vận hành NVSCC.

Tại quận 1, TP HCM đã có 100 cơ sở kinh doanh, cửa hàng, quán ăn, nhà hàng, khách sạn... tạo điều kiện cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Cần mở rộng mô hình này, đây không chỉ tận dụng được những nguồn lực sẵn có trong xã hội mà còn tạo ra được hình ảnh người thành phố văn minh, hiếu khách.

Chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên:

Không xem NVSCC là công trình phụ

Người Việt Nam chưa coi trọng và có thói quen sử dụng NVSCC. Khi bàn đến xây dựng một công trình cộng đồng, người ta có tâm lý nhìn cái rộng, cái to tát và xem xây NVSCC là chuyện nhỏ, có thể tạm bợ nên thường làm lấy lệ.

Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức đầu tiên từ những người lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, nhà quy hoạch... rồi đến người dân, để mọi người đừng xem đây là công trình phụ bởi nó là nơi giải quyết nhu cầu cơ bản và thiết yếu của con người. Bên cạnh đó, cần tăng thời gian sử dụng vì NVSCC hầu như chỉ phục vụ trong giờ hành chính, hết giờ là đóng cửa trong khi quy chuẩn là hoạt động ít nhất trên 16 giờ/ngày và không có "nỗi buồn cơ thể" nào chỉ đến vào giờ hành chính. Giải bài toán NVSCC phải là chủ trương của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo đòn bẩy thực thi thì NVSCC mới đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Chuyện cháu bé ở NVSCC

Mới đây, tôi có chuyến bay từ sân bay Chu Lai (Quảng Nam) trở lại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Sau khi chờ lấy hành lý xong, tôi vào NVSCC tại nhà ga.

Bước vào phòng vệ sinh, tôi thấy một bé trai chừng hơn 4 tuổi đang loay hoay nhìn ngó, tìm kiếm gì đó phía sau bồn vệ sinh. Tôi định hỏi cháu tìm gì để giúp thì bất ngờ nghe cháu reo lên: "A, thấy rồi!". Thì ra cháu đang tìm cái nút để nhấn vòi nước dội bồn sau khi đi vệ sinh xong. Nhấn rồi giữ nút một cách thành thạo để cho nước dội bồn vệ sinh xong, cháu chào tôi rồi bước vội ra ngoài.

Hình ảnh cháu bé loay hoay, quyết tìm cho ra nút nhấn nước để dội bồn vệ sinh buổi chiều tối hôm đó khiến tôi cứ nhớ mãi. Một cảm giác rất vui và cũng thật nhiều cảm xúc trước một hành động đẹp, lịch sự và văn minh của một cháu bé chỉ mới hơn 4 tuổi tại NVSCC. Bởi thực tế không ít người lớn quên làm việc này.

Nếu trẻ em có được một nền tảng giáo dục tốt ngay từ khi còn nhỏ thì chắc chắn cuộc sống sẽ có nhiều điều thú vị và tốt đẹp hơn, xã hội sẽ ngày càng văn minh và tươi đẹp hơn.

Ng.Đước

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo