Thoát nước về nguyên tắc, phù hợp với quy hoạch trong khu vực và toàn bộ mạng lưới thoát nước có liên quan, không làm phát sinh điểm ngập… Ngoài ra, phải bảo đảm thoát nước cho khu vực giao cắt với tuyến đường, thoát nước thải sinh hoạt cho nhà dân; phải hiểu chống ngập là cho cả khu vực, không phải thoát nước cục bộ, không chỉ làm riêng trên một tuyến đường nào và khi làm đường hay làm cống vẫn phải phù hợp quy hoạch mặt bằng kiến trúc đô thị, sơ đồ các tuyến đường lân cận, mạng lưới thoát nước chung. Chống ngập mà thiếu quan tâm đến những vấn đề này sẽ khó có cái nhìn toàn diện mà chỉ biết cục bộ.
Nâng đường không giải quyết triệt để ngập nước, ngược lại còn phản tác dụng, đẩy điểm ngập đến một số nơi lân cận, có khi lại chuyển ngập từ ngoài đường vào nhà. Trên thực tế, có những tuyến đường sau khi nâng lên cao để chống ngập đã trở thành con đê chắn ngang khiến nước mưa tràn ra hai bên; ngược lại, nước từ trong hẻm và đường xung quanh không có lối thoát, tạo thành dòng sông nhỏ trong khu dân cư khi có mưa lớn.
Đúng ra, thiết kế thoát nước trong đô thị là ưu tiên cho giải pháp tự chảy, hướng thoát ngắn nhất, không tắc nghẽn hoặc gây ngập cục bộ những khu vực lân cận. Với địa hình như TP HCM nên tận dụng môi trường tự nhiên để thoát nước mưa ra sông, kênh, rạch hay những khu vực có đất trống vùng trũng. Chỉ có thể kết hợp thêm máy bơm trong trường hợp địa hình thấp, không có vùng trũng và dòng chảy thoát nước.
Hệ thống thoát nước hiện nay tại TP được đấu nối theo lưu vực, chưa bổ trợ lẫn nhau. Để bảo đảm thoát nước, cống phải được đấu nối thông suốt, chỉ cần bị bít một vị trí nào đó cũng làm nghẽn dòng chảy và gây ngập. Trên nhiều tuyến đường, cửa thu nước có kích thước gần giống nhau. Cửa thu nước xuống hố ga nhỏ và hẹp, chưa kể bị bít gần kín bởi rác, đất cát khiến nước thoát không kịp, nhất là khi mưa lớn. Trước mắt, cần làm việc đơn giản là nạo vét cống để nâng cao năng lực thoát nước, mở rộng cửa thu nước vì cống lớn có cửa thu nhỏ cũng giảm năng lực thoát nước.
Về lâu dài, hạn chế đô thị hóa phát triển khu dân cư phía Đông và Nam, vùng trũng thoát nước; chuyển hướng qua phía Tây Bắc, vùng có đất địa hình cao, rộng và hoang vắng. Vùng trũng dành đất trống dẫn nước thoát ra sông, lúc này không cần dự án ngàn tỉ. Việc chống ngập nên có cái nhìn tổng thể và biện pháp căn cơ hơn để giải quyết triệt để. Ngập thường được cho là do yếu tố khách quan (mưa, triều cường, lún địa hình...). Yếu tố chủ quan như quy hoạch không phù hợp, yếu kém trong quản lý, lấn kênh, mương, rạch, đô thị hóa tự phát... ít được đề cập. Trong khi đó, chính những điều này dẫn đến mất cân đối trong phát triển đô thị, là nguyên nhân làm mất dần hướng thoát nước, hình thành nút thắt. Phải thẳng thắn nhìn nhận đúng thực tế để có giải pháp hiệu quả, đừng chống ngập theo kiểu đối phó và chắp vá như hiện nay.
Bình luận (0)