Cả ngàn người dân kéo lên UBND xã Yên Tâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa gây áp lực, yêu cầu chính quyền cưỡng chế, buộc trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm phải di dời đi nơi khác; hàng trăm người dân và người nhà nạn nhân kéo đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình để yêu cầu làm rõ nguyên nhân và có trách nhiệm với cái chết bất thường của một sản phụ; người dân vây một nhóm CSGT (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) yêu cầu làm rõ việc một CSGT dùng dùi cui đánh người không đội mũ bảo hiểm…
Việc tụ tập thành đám đông “đi đòi công lý” dù sự kiện ấy không liên quan dường như đang trở thành vấn nạn.
Cán bộ “quá đáng”, dân mất niềm tin
Theo TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM), phải thẳng thắn nhìn nhận chính từ những hành vi ứng xử “quá đáng” của một số cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ khi thực thi nhiệm vụ không đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu cũng như cách giải quyết chậm trễ, “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” ở một số cơ quan, ban ngành đã khiến người dân mất niềm tin vào pháp luật. Cho nên thay vì sử dụng quyền khiếu nại theo trình tự pháp luật để bảo vệ, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, người dân lại kéo nhau đến để la hét, có những hành vi kích động nhằm làm áp lực với chính quyền địa phương. Cách ứng xử này, từ góc độ pháp luật đến đạo đức đều không hợp tình, hợp lý và hợp pháp.
“Tuy nhiên, một cách công bằng, nên nhìn nhận từ nguyên nhân dẫn tới phản ứng của người dân. Cụ thể, trong vụ một CSGT dùng dùi cui đánh một thanh niên chỉ vì người này không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nhìn từ góc độ pháp luật, nếu người tham gia giao thông không thực hiện đúng quy định an toàn giao thông, CSGT có thể áp dụng biện pháp hành chính với mục đích giáo dục, răn đe; người dân sẽ không thể có phản ứng nào khác ngoài việc chấp nhận tuân thủ pháp luật. Tiếc là người CSGT lại sử dụng vũ lực (công cụ hỗ trợ) khiến người dân đáp trả bằng những phản ứng kích động” - TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.
Theo TS-LS Trạch, một vấn đề nữa cũng nên xem xét là vai trò của cơ quan truyền thông. Không khó để nhận thấy trong thời gian gần đây, báo chí thường xuyên đưa tin về việc người dân tập trung bằng các hình thức khác nhau tại bệnh viện, phường xã, cơ quan công an... Cách đưa tin này dường như tạo cho người dân suy nghĩ: Phải gây được sự chú ý mới có thể đạt được yêu cầu, nguyện vọng của mình.
Để hạn chế cũng như làm thay đổi “hiện tượng” nêu trên, theo TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, trước hết nhà nước phải làm sao khôi phục lại niềm tin của nhân dân. Về phía người dân, cần ý thức được việc tôn trọng pháp luật, sử dụng những quyền mà pháp luật trao để bảo đảm một cách tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Có thể bị xử lý hình sự
Cùng chung quan điểm, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích thêm việc biết quan tâm đến người khác và cộng đồng là điều đáng quý nhưng quan tâm với tò mò, a dua là hai trạng thái khác nhau.
Các quy định pháp luật có những chế tài khá chi tiết, đầy đủ đối với hành vi tụ tập đám đông bất thường hoặc gây rối trật tự công cộng. Trong phạm vi xử lý hành chính, mức nhẹ nhất theo Nghị định 167/2013 là phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng với hành vi tập trung đông người; từ 500.000 đồng -1 triệu đồng với hành vi xúi giục đánh nhau, tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây rối trật tự; từ 2-3 triệu đồng, thậm chí 3 - 5 triệu đồng khi “xúi giục người khác đánh nhau, lôi kéo tập trung đông người nơi công cộng, nơi cấm tập trung đông người hay gây rối trật tự công cộng mà mang theo vũ khí thô sơ…”. Các trường hợp nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
“Chúng ta cần định hình ngay hành vi của mình khi tiếp cận một sự kiện phát sinh. Đôi khi việc rời khỏi đám đông là hành vi đúng đắn để giảm sự phức tạp không đáng có, tạo điều kiện cho người có nhiệm vụ thực thi tốt công việc của mình hoặc thông báo đến nhà chức trách, những đơn vị có chức năng nhiệm vụ để họ mau chóng đến nơi đang có sự cố nhằm xử lý hữu hiệu các sự kiện pháp lý phát sinh. Đặc biệt, không a dua theo đám đông để gây ra sự phức tạp xã hội và bản thân bị liên lụy đến pháp luật” - luật sư Công nói.
Cực kỳ nguy hiểm
Phân tích về hậu quả của hội chứng đám đông, TS Trương Văn Vỹ (giảng viên xã hội học tội phạm Trường ĐH KHXH-NV TP HCM) nói: “Hội chứng này có thể gặp ở bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, phải nhìn nhận hiện tượng này đang khá phổ biến ở Việt Nam. Vì là số đông nên sức lan truyền rất nhanh, mạnh và cực kỳ nguy hiểm, nhất là khi gieo rắc thông tin không đúng có thể gây ra những cuộc xung đột quy mô lớn theo kiểu “sóng trước đè sóng sau”, lấy số đông để áp đảo thiểu số. Để ngăn chặn hiện tượng này, cần có những quy định pháp luật nghiêm ngặt và cơ quan chức năng cần thông tin chính thức, minh bạch để người dân hiểu rõ ngọn ngành sự việc”.
P.Dũng
Bình luận (0)