Nghẹn ngào, xót xa, căm phẫn là cảm xúc của bất kỳ những ai có lương tri khi xem clip nữ sinh lớp 9 bị bạn lột quần áo hành hung dã man. Không thể tưởng tượng được ngay trong trường học lại có thể xảy ra cảnh tượng này.
Vì đâu nên nỗi? Lỗ hổng nằm ở đâu? Vì sao đã có nhiều quy định của ngành giáo dục lẫn quy định pháp luật liên quan đến phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) nhưng vẫn có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra và mức độ ngày càng nghiêm trọng, dã man? Vì sao những học sinh (HS) mới "nứt mắt" đã làm đại ca giang hồ, dám xem thường nội quy nhà trường, ngang nhiên chà đạp lên nhân phẩm và sức khỏe người khác? Vì sao nhiều HS thản nhiên nhìn bạn bị giày vò, đánh đập mà không chút động lòng, xót xa...?
Con gái tôi năm nay 18 tuổi, học lớp 12, đã chỉ ra rằng trên mạng xã hội có nhiều trend (xu hướng) đang rất thu hút các em nhỏ cấp 1, cấp 2. Tiếp xúc càng nhiều, các em càng thấy những hình ảnh bạo lực, hành vi trái quy tắc xã hội là… bình thường; thậm chí có em còn thực hiện theo để được nổi tiếng, được tôn sùng là đại ca. "Con chỉ lớn hơn vài ba tuổi mà có khi còn không hiểu nổi tụi nhỏ, thấy mình "già" hơn rất nhiều, huống chi là người lớn" - con gái tôi nói.
Tôi giật mình. Việc quản lý và dạy dỗ con trẻ ở thời buổi mọi thứ đều diễn ra trên mạng xã hội, thật sự không hề đơn giản. Người làm cha mẹ, thầy cô hiện nay không chỉ làm gương cho con trẻ, quan tâm, chăm sóc mà còn phải dành thời gian sống trong thế giới của trẻ. Nếu không, mãi mãi không thể hiểu hết để kịp thời phát hiện, khuyên nhủ hoặc can thiệp những vấn đề đang xảy ra với trẻ. Đây là những khó khăn mà thế hệ người lớn ngày trước không phải đối mặt.
Trở lại câu chuyện BLHĐ, ngoài nguyên nhân từ bản thân HS và sự thiếu quan tâm, hiểu biết con trẻ từ gia đình, còn có trách nhiệm rất lớn của nhà trường. Thực tế trường nào có nội quy nghiêm khắc; quản lý, giám sát chặt chẽ HS, sẽ không có BLHĐ xảy ra. Thế nhưng, hiện nay rất nhiều nơi mải mê chạy theo thành tích, chỉ cần quan tâm tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp, lên lớp thẳng; tỉ lệ HS giỏi trong các kỳ thi tỉnh - thành, quốc gia… mà lơ đi, thậm chí giấu giếm, không xử lý triệt để những tiêu cực đang xảy ra trong nhà trường, mâu thuẫn âm ỉ trong HS lẫn giáo viên cho đến khi bị phanh phui.
Đặc biệt, những vụ BLHĐ xảy ra, việc phản ứng và xử lý của ngành giáo dục cũng rất "yếu ớt". Thường thấy nhất vẫn là họp, viết kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đuổi học một thời gian, điều chuyển công tác… Mà "đơn thuốc" này dường như đã không còn tác dụng.
Đã đến lúc pháp luật và ngành giáo dục phải có những quy định và biện pháp mạnh tay đối với hành vi BLHĐ. Chẳng hạn cách ly hẳn HS có hạnh kiểm không tốt, có hành vi bạo lực, đưa vào môi trường giáo dục riêng (vì đa số các em có vấn đề về tâm lý, tính cách, lối sống…) để có phương pháp uốn nắn phù hợp; xử lý hình sự với hành vi vi phạm pháp luật (gây hậu quả nghiêm trọng). Với những trường để xảy ra BLHĐ, hiệu trưởng lẫn giáo viên chủ nhiệm phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất. Ngoài ra, phụ huynh cũng phải chịu trách nhiệm vì đã buông lỏng quản lý, dạy dỗ con (xử phạt hành chính, xử lý hình sự, bồi thường dân sự…). Ở nhiều quốc gia, luật pháp quy định rõ về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái vị thành niên, thậm chí cha mẹ bị phạt tù với những hành vi con cái gây ra vì thiếu quan tâm, giáo dục con.
Nếu không có biện pháp đủ mạnh để răn đe, không xử lý đến nơi đến chốn, du di với những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật thì không mong gì chấm dứt được tình trạng BLHĐ. Bởi theo lẽ thường, cái xấu, cái ác không bị trừng phạt thích đáng thì chúng sẽ sinh sôi, nảy nở.
Bình luận (0)