Ngẫm đến vụ lén bán 60 thùng hồ sơ để lấy 9 triệu đồng ở Thanh Hóa thì thấy cũng không khác gì chuyện con voi chui lọt lỗ kim.
Làm công tác văn thư, có lẽ ai cũng đều hiểu rõ bộ "Quy chế công tác văn thư, lưu trữ" trong Luật Lưu trữ. Việc cán bộ văn thư ở Thanh Hóa đem bán hồ sơ lưu trữ của cơ quan, là tài liệu liên quan các dự án, công trình từ nhiều năm trước, cho người mua phế liệu có thể nói là việc chưa từng có tiền lệ.
Dù hiện nay công an đã thu hồi hầu hết nhưng có thể khẳng định đây là hành động phá hoại. Rất nhiều câu hỏi đặt ra: Vì sao tài liệu, hồ sơ lưu trữ của cơ quan mà một nhân viên văn thư lại dễ dàng đem bán giấy vụn?
Các tài liệu này còn giá trị không, việc lưu trữ được quy định bao lâu? Động cơ thực sự của vụ việc này là gì bởi một người có nghiệp vụ, có thời gian công tác lâu năm sẽ không thể tùy ý bán hồ sơ với số lượng lớn như vậy?
Đằng sau hành động đem hồ sơ của công ty bán phế liệu là gì, vô tình hay cố ý, vì tiền hay vì lý do nào khác? Còn ai khác liên quan ngoài nữ văn thư...?
Công an TP Thanh Hóa đang xác minh, điều tra, chắc chắn thời gian tới sẽ có câu trả lời rõ ràng và người vi phạm sẽ bị xử lý.
Nhưng bên cạnh đó, điều dư luận băn khoăn hơn nữa chính là việc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đã để "con voi chui lọt lỗ kim".
Cán bộ văn thư lén bán đến 60 thùng tài liệu thì không thể không nói đến trách nhiệm quản lý của lãnh đạo Ban Quản lý đối với hồ sơ tư liệu cần bảo quản cũng như nhân viên của mình.
Dù đây là việc hy hữu nhưng là bài học lớn về quản lý cho nhiều đơn vị khác. Trong một cơ quan, bất kỳ khâu nào, bộ phận nào cũng quan trọng, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời.
Bình luận (0)