Mới đây, một bảo mẫu ở Bình Chánh (TP HCM) đã bị bắt khẩn cấp vì có hành vi bạo hành trẻ. Cũng thời gian này, TAND quận 12 xét xử 3 bảo mẫu cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh với tội danh "Hành hạ người khác". Trước đó cũng xuất hiện nhiều vụ bạo hành trẻ tại trường mầm non.
Nhiều băn khoăn
Người thực hiện hành vi phạm tội thì cũng đã bị pháp luật xử lý, dư luận lên án và lương tâm cũng khó yên ổn. Thế nhưng, điều mà nhiều phụ huynh và xã hội vẫn còn rất băn khoăn chính là không có gì bảo đảm những vụ tương tự sẽ không tiếp diễn và trẻ hoàn toàn được an toàn trong môi trường giáo dục. Bởi cái gốc vấn đề nằm ở chỗ tuyển chọn và đào tạo người. Những vụ bạo hành đối với trẻ không chỉ xảy ra ở những nhóm lớp tư thục với những giáo viên (GV) không đủ trình độ, kỹ năng mà còn xuất hiện ở những cơ sở có GV từng được đào tạo và được cấp bằng. Điều này cho thấy những bất cập đối với quá trình đào tạo GV mầm non và cả việc quản lý cơ sở mầm non.
Ba bảo mẫu của cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12) bị xét xử ngày 25-7 Ảnh: Di Linh
Trên lý thuyết, đã chọn ngành mầm non thì phải thực sự yêu trẻ để có thể gắn bó lâu dài, bởi đây là một nghề đòi hỏi những tiêu chuẩn rất khắt khe, sự nhẫn nại, chịu khó, hy sinh... Thế nhưng, thực tế ở các trường sư phạm có tiến hành kiểm tra nhanh sinh viên chọn nghề vì yêu trẻ hay chỉ xem là một nghề để kiếm sống hoặc vì không thể chọn nghề khác? Có đặt ra tiêu chí tuyển dụng riêng đối với ngành mầm non hay hễ đủ điều kiện (về chỉ tiêu tuyển sinh, điểm số...) là được nhận vào học và đã học thì đều được cấp bằng?
Rất nhiều cơ sở mầm non tư thục vì lợi nhuận, không cần tuyển GV được đào tạo chính quy, chỉ cần học vài ba tháng có chứng chỉ là được tuyển dụng. Vậy các cơ quan quản lý có kiểm tra kỹ về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm của GV, bảo mẫu ở các cơ sở giáo dục mầm non trước khi cấp phép hay chỉ kiểm tra trên giấy tờ, đủ thủ tục thì được mở trường, cơ sở…? Rất nhiều câu hỏi như thế được đặt ra?
Cần nhiều thay đổi từ đào tạo, quản lý
Từ những vụ việc đã xảy ra cho thấy đa số những GV, bảo mẫu khi thực hiện hành vi phản sư phạm, thậm chí vi phạm pháp luật đều thiếu phương pháp sư phạm, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, phẩm chất đạo đức lẫn tình yêu thương trẻ, mặc dù có người trong số họ đã được trường đại học cấp bằng tốt nghiệp. Trong khi đó, đặc thù của nghề GV mầm non là lòng yêu trẻ và đó phải là tình yêu của người mẹ, có sự dịu dàng, nhẫn nại, lòng hy sinh và cả sự nghiêm khắc. Bởi ở độ tuổi này, việc tự ý thức của trẻ chưa cao trong khi hầu hết thời gian trẻ và cô sinh hoạt ở trường. Từ ăn, uống, dỗ ngủ đến đi vệ sinh, tắm rửa, mọi điều đều cần đến bàn tay cô giáo.
Để chấm dứt tình trạng trẻ bị GV, bảo mẫu ngược đãi, bạo hành, dĩ nhiên phải xử lý mạnh và cần có những biện pháp quyết liệt, nghiêm khắc. Song song đó, phải đặt nặng vấn đề trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng liên quan; quan tâm cải thiện vấn đề thu nhập của GV cũng như điều kiện đứng lớp... Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề, vẫn bắt nguồn từ ngành giáo dục. Đó là các trường sư phạm cần có những bài kiểm tra nhanh để làm sao sàng lọc, loại bỏ những người không thực sự yêu nghề, mến trẻ trước khi đào tạo và kể cả trước khi cấp bằng tốt nghiệp. Đặc biệt, ngoài đào tạo về chuyên môn, trau dồi đạo đức cho sinh viên, cần tăng cường dạy về pháp luật: Luật Giáo dục, Luật Trẻ em và thậm chí cả Luật Hình sự.
Một số vụ bạo hành trẻ bị xử lý hình sự
Trần Thị Hồng Phúc, bảo mẫu Trường Mầm non Ánh Sao Vàng (huyện Bình Chánh, TP HCM) la mắng, dùng tay tát nhiều cái vào mặt một bé gái 5 tuổi khiến mặt bé sưng tấy, đã bị Công an huyện Bình Chánh bắt khẩn cấp vào ngày 28-7.
Ba bảo mẫu ở cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12) hành hạ hàng loạt trẻ bằng việc đánh, tát, lấy can nhựa gõ vào đầu, cầm dao dọa trẻ... Ngày 25-7, TAND quận 12 xét xử, tuyên phạt Phạm Thị Mỹ Linh (chủ cơ sở) 3 năm tù; Nguyễn Thị Đào 2 năm tù và Phạm Như Huỳnh 1 năm 6 tháng tù, 2 bị cáo này được cho hưởng án treo.
Tháng 5-2018, bà Đinh Thị Hồng, chủ nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (quận Thanh Khê, Đà Nẵng, có bằng cao đẳng sư phạm mầm non) bị khởi tố về tội "Hành hạ người khác". Bà Hồng là một trong 2 phụ nữ bắt trẻ nằm ngửa dưới sàn, đổ cháo vào miệng, tát vào mặt, dùng hai tay cầm đầu trẻ nhấc bổng lên…
Bình luận (0)