Việc HTL có hại cho sức khỏe ai cũng biết nhưng nhiều người vẫn bất chấp, thản nhiên HTL nơi công cộng. Tôi là người không HTL nhưng nhiều hôm đi làm về, người vẫn ám đầy mùi thuốc lá. Rất nhiều lần chở con từ trường về, đến góc ngã tư kẹt xe cả một đoạn dài, nào khói bụi, nào tiếng ồn rất ngột ngạt, nhiều người thản nhiên châm điếu thuốc, nhả khói, không hề quan tâm đến vẻ khó chịu của những người xung quanh. Họ có thể là người chạy xe ba gác, xe ôm, lao động tự do... nhưng cũng không hiếm người làm công sở, biết rất rõ HTL có hại cho sức khỏe bản thân và ảnh hưởng đến cộng đồng.
Có lần con tôi đi học về kể ở sân trường có bảng ghi "Trường học không khói thuốc" nhưng những lúc vắng học sinh, một vài thầy giáo vẫn hút thuốc. Việc này không thể qua mắt được đám học trò. Gặp thầy hiệu trưởng, bọn trẻ hỏi: "Thầy ơi, sao có bảng "Trường học không khói thuốc" mà tụi con thấy thầy A. hút thuốc trong trường?". Thầy hiệu trưởng không trả lời. Sau đó tấm bảng "Trường học không khói thuốc" lẳng lặng được gỡ đi.
Cơ quan tôi làm việc toàn là phòng máy lạnh, hành lang cửa kính đóng kín mít nhưng một vài anh vẫn phì phèo điếu thuốc. Đồng nghiệp nữ bắt gặp la í ới, các anh cũng chỉ cười trừ.
Theo thống kê, khoảng 80%-90% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá. Một người hút 1 gói thuốc lá mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 20 lần người không HTL. Nguy cơ ung thư phổi do HTL thụ động cũng được ghi nhận tăng 30% ở nhóm người sống trong nhà có người hút thuốc. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỉ lệ HTL cao nhất thế giới. Mong sao những người HTL hãy vì mình, vì người thân, vì sức khỏe cộng đồng mà hạn chế sử dụng thuốc lá. Đề nghị các ngành chức năng đánh thuế thuốc lá thật cao, đồng thời thực hiện nghiêm quy định xử phạt đối với người HTL nơi công cộng để không có những người phải "chết oan" chỉ vì không thể tránh được khói thuốc lá từ những người thiếu ý thức tôn trọng cộng đồng.
Bình luận (0)