Theo dữ liệu của WHO, ô nhiễm không khí trong nhà do nấu nướng và ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân gây ra hơn một nửa số ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, làm chết 600.000 trẻ em vào năm 2016.
Ngoài ra, 93% trẻ em khắp thế giới hít vào phổi bụi PM2.5, một trong những chất ô nhiễm chết người bậc nhất. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, 98% bị nhiễm PM2.5 trên mức độ an toàn do WHO đưa ra. Tỉ lệ này ở các nước có thu nhập cao là 52%.
93% số trẻ em dưới 15 tuổi trên toàn cầu (tức 1,8 tỉ em) đang hít thở bầu không khí độc hại. Ảnh: CHINA FOTO PRESS
Không khí ô nhiễm gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe như nhẹ cân khi sinh, kém phát triển thần kinh, hen suyễn, tim..., từ đó kéo theo nguy cơ chết sớm, theo WHO. Tỉ lệ sinh non cũng gia tăng khi phụ nữ mang thai hít thở không khí ô nhiễm và trẻ chào đời dễ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành.
Bản báo cáo trên được công bố trùng với hội nghị toàn cầu đầu tiên về ô nhiễm không khí và sức khỏe, khai mạc ở Geneva - Thụy Sĩ hôm 30-10. Viết trên báo Guardian, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom nhấn mạnh ô nhiễm không khí như một "loại thuốc lá mới", giết chết khoảng 7 triệu người mỗi năm và gây tổn hại cho hàng tỉ người. "Không ai, dù giàu hay nghèo, có thể thoát được không khí ô nhiễm" - ông Tedros cảnh báo.
Một báo cáo khác liên quan đến môi trường, do Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) công bố với sự tham gia của 59 nhà khoa học trên toàn cầu, khẳng định chính con người đã tiêu diệt 60% các loài động vật có vú, chim chóc, cá và bò sát kể từ năm 1970. Theo các nhà khoa học, hành động hủy diệt thiên nhiên hoang dã này đang quay ngược lại đe dọa nền văn minh nhân loại.
"Chúng ta đang bước tới bờ vực. Nếu dân số nhân loại giảm 60%, tức là Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi, châu Âu, Trung Quốc và châu Đại dương sẽ sạch bóng con người" - ông Mike Barrettm, Giám đốc điều hành mảng khoa học và bảo tồn của WWF, mô tả về quy mô mức độ "phá hoại" của con người.
Bình luận (0)