Tuy nhiên, Thông tư 25/2018/TT-BCT hầu như chưa đi vào thực tế cuộc sống, khi mà ở nhiều nơi chính quyền, ngành điện lực chưa vào cuộc hoặc làm một cách hời hợt; các chủ cho thuê trọ vẫn mặc sức "chặt chém" công nhân, sinh viên, những người đi thuê trọ nghèo với mức giá điện cao; người đi thuê trọ không được hưởng quyền lợi theo quy định.
Tâm lý chung của những người đi thuê trọ là khi đang ở ổn định, không mấy ai thích chuyển chỗ trọ đi nơi khác, trừ trường hợp nhà trọ tăng giá quá cao hoặc chuyển chỗ làm, chỗ học hay địa điểm mưu sinh quá xa... Vì vậy, với mức giá tiền điện cao phải gánh, người thuê trọ thường cam chịu vì số chủ trọ có tâm lấy giá mềm vừa phải không nhiều, còn đại đa số các chủ trọ đều "nhìn nhau" để bán điện cho người thuê với một mức giá cao gấp vài ba lần theo quy định...
Một người bạn tôi thuê phòng trọ tại phường Hiệp Phú (quận 9, TP HCM), chủ nhà trọ bán điện cho các phòng là 3.500 đồng/KWh. Khi quy định áp giá bán điện có lợi cho người thuê có hiệu lực từ tháng 11-2018, dù bạn tôi cũng như những người thuê trọ trong khu thắc mắc, chủ nhà trọ vẫn kiên quyết không giảm giá. Thế nhưng, không thấy người của công ty điện lực hay các cơ quan chức năng đến kiểm tra thực tế. Bạn tôi còn kể tại khu trọ kế bên, có người gọi điện vào số máy tổng đài của Công ty Điện lực Thủ Thiêm để phản ánh về tình trạng chủ nhà thu tiền điện giá cao. Vài hôm sau cũng có người của công ty xuống kiểm tra, làm việc với chủ khu trọ nhưng tiền điện vẫn không được giảm theo đúng quy định.
Thực ra, tình trạng các chủ trọ không chấp hành Thông tư 25/2018/TT-BCT về việc áp giá bán điện có lợi cho người thuê là khá phổ biến, bởi chẳng có mấy ai tự dưng chịu cắt giảm nguồn thu hằng tháng. Vấn đề là ngành điện, các cơ quan chức năng đã không thực sự vào cuộc hoặc vào cuộc với thái độ thờ ơ, lơi lỏng, không đến nơi đến chốn... nên các chủ trọ mới không sợ. Quy định phạt chủ trọ thu tiền điện quá mức giá quy định từ 7 - 10 triệu đồng đã rõ ràng như vậy nhưng thực thi là chuyện dường như rất xa vời.
Thiết nghĩ, để quy định pháp luật đi vào cuộc sống chứ không phải chỉ tồn tại trên bàn giấy, các cơ quan chức năng có liên quan cần đẩy mạnh công tác kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Nếu quy định ban hành mà các cơ quan chức năng liên quan không thực hiện nghiêm sẽ dẫn đến hiện tượng người dân coi thường hoặc mất niềm tin vào luật pháp.
Bình luận (0)