Ngày 30-11, tại buổi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết năm 2017, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 174,65 tỉ kWh.
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện gần 291.300 tỉ đồng. Trong đó, chi phí khâu phát điện chiếm tỉ trọng lớn nhất, trên 220.910 tỉ đồng; chi phí khâu truyền tải gần 18.000 tỉ đồng; chi phí khâu phân phối - bán lẻ xấp xỉ 51.250 tỉ đồng...
Doanh thu bán điện năm 2017 của EVN đạt 289.954,78 tỉ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh là 1.667,77 đồng/kWh. Như vậy, tính cả năm 2017, EVN vẫn lãi gần 2.730 tỉ đồng từ sản xuất, kinh doanh điện.
EVN khuyến khích người dân lắp điện mặt trời để sử dụng, đồng thời bán lại cho EVN
Tại cuộc họp, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, khẳng định mặc dù tăng trưởng điện luôn đạt mức 10% nhưng đơn vị sẽ đảm bảo công suất cho năm 2019 và 2020. Tuy vậy, ông cũng cảnh báo nguy cơ thiếu điện sau năm 2020 do không có nguồn khai thác mới.
Ông Tri dẫn chứng trong những năm gần đây không có dự án lớn nào được triển khai, trong khi đó chi phí sản xuất điện như than, giá dầu, thuế tài nguyên nước... đang gây áp lực tăng giá điện. "Nếu không có các giải pháp căn cơ thì sau năm 2020 sẽ thiếu điện là điều chắc chắn"- phó tổng giám đốc EVN khẳng định.
Phó tổng giám đốc kiến nghị Chính phủ triển khai mạnh hơn nữa biện pháp điện mặt trời áp mái và xem đây là giải pháp căn cơ cho thời gian tới trước nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu. Ông Tri cho rằng, mỗi gia đình có thể lắp đặt máy điện mặt trời công suất 3-10 kW trên mái nhà, phù hợp với lưới điện hạ thế.
"Mỗi gia đình sẽ chủ động được nguồn điện để sử dụng cho các thiết bị gia đình. Khi không dùng điện có thể bán lại cho EVN. Ban ngày sẽ sử dụng được điện mặt trời, có thể giảm được tiền điện, giảm được lượng điện tiêu thụ của EVN. Nếu ban ngày không sử dụng điện đó, tự động lưới điện của EVN tiếp nhận hết, có công tơ 2 chiều để đo"- ông Tri nói.
Ông Tri cho biết sẽ có kiến nghị với các ngân hàng, tổ chức tín dụng về việc hỗ trợ vốn cho người dân lắp đặt điện mặt trời.
Phó tổng giám đốc EVN cho rằng công suất 3-5 kW thì nghe không lớn, nhưng nếu tính tổng 30 triệu hộ trên cả nước hiện nay nhân với công suất đó thì sẽ sản sinh lượng điện 3.000 MW. "Đây là con số rất lớn"- ông Tri nhấn mạnh.
Theo đại diện EVN, vấn đề cung cấp than cho nhiệt điện sẽ được giải quyết triệt để sau khi EVN và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã làm việc với nhau. Theo tính toán của EVN, ngoài số than do TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp, EVN sẽ thiếu khoảng 8 triệu tấn cho nhiệt điện.
"Với số thiếu này, chúng tôi đã thống nhất các đơn vị thuộc EVN sẽ chủ động nhập khẩu 4 triệu tấn, còn 4 triệu tấn còn lại TKV sẽ nhập khẩu, sau đó kê khai giá bán và EVN sẽ mua lại. Vấn đề về than cho nhiệt điện sẽ được xử lý triệt để”- ông Tri khẳng định.
Cũng theo ông Tri, EVN đã lập hồ sơ mời thầu để nhập khẩu than theo giá thị trường với số than thiếu. Trong khi đó, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc vừa có bảng giá chào hàng áp dụng từ 5-12-2018 gửi EVN.
“Theo bảng chào hàng này thì giá than sẽ tăng 5%, thời gian tới chúng tôi sẽ hiệp thương để báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Giá than tăng thì chắc chắn giá điện cũng sẽ tăng”- ông Tri nhấn mạnh.
Bình luận (0)