Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, các cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên hầu như đều có trang thông tin điện tử (website) riêng để đăng tải thông tin hoạt động, giới thiệu, quảng bá hình ảnh cơ quan, đơn vị mình. Thậm chí, thôn, làng cũng xây dựng được website riêng để tìm hiểu, giao lưu, trao đổi làm ăn, quảng bá hình ảnh quê hương. Đây là điều tiến bộ, rất thiết thực để người dân cập nhật kiến thức, nắm bắt thông tin, góp phần phát triển kinh tế- xã hội chung của đất nước.
Website của các cơ quan nhà nước ngoài việc cung cấp thông tin về cơ sở, trao đổi nắm bắt thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống với nhau, mà đây còn là kênh thông tin kết nối giữa cơ quan với người dân một cách hiệu quả, hỗ trợ toàn bộ quy trình từ việc xin giấy phép, thủ tục hành chính đến trả lời câu hỏi của người dân... Đối với doanh nghiệp, website là phương tiện cung cấp, cập nhật thông tin nhằm quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm hữu hiệu nhất. Vì vậy, việc cập nhật thông tin liên tục và mới là điều quan trọng nhất trong việc duy trì hoạt động của website.
Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị sau khi đầu tư một khoản kinh phí rất lớn để xây dựng website riêng theo phong trào, cho "bằng chị, bằng em" chỉ hoạt động một thời gian ngắn thì bỏ bê, không truy cập, cập nhật thông tin mới, nhất là các quy định pháp luật. Không ít website đăng các thông tin đã quá cũ, lạc hậu, thậm chí sai lệch, không chính xác, gây phản cảm, có tác dụng tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Ví dụ, có lãnh đạo UBND huyện đã mất vài năm nhưng khi vào website của cơ quan này vẫn còn hiện hữu đầy đủ chức danh, số điện thoại… Nguy hại hơn là việc các quy định pháp luật, thủ tục hành chính… đã có sự thay đổi toàn bộ hoặc sửa đổi, bổ sung nhưng không được cập nhật mới đã gây khó khăn, thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, công dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan, nhất là ngành thông tin và truyền thông cần có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này, nhằm phát huy vai trò hữu ích, thiết thực của các website trong hệ thống các cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước . Đồng thời, góp phần hạn chế các sai sót, bất cập do việc chậm cập nhật, thay đổi, bổ sung các thông tin đã cũ, lạc hậu nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp tổ chức, công dân và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Bình luận (0)