Ngay sau khi thông tin về bé trai lớp 1 Trường Quốc tế Gateway tử vong trên xe đưa đón học sinh của trường được đông đảo dư luận biết đến, những hình ảnh cá nhân, thông tin đời tư của cháu bé và gia đình tràn ngập trên một số báo mạng, các trang mạng xã hội và bị chia sẻ với tốc độ chóng mặt.
Để câu like, câu view, một số báo mạng, hội nhóm, trang mạng xã hội, thậm chí các cá nhân sử dụng Facebook, đã không ngần ngại sử dụng hình ảnh của cháu bé (rõ mặt) đăng kèm những bài viết, những dòng bình luận bi thương. Ngay đến di ảnh đặt trên bàn thờ của bé cũng bị công khai cận cảnh, rõ nét. Tên tuổi, quê quán, bố mẹ, ông bà và nhiều thông tin đời tư… cũng bị truy đến cùng. Đến nỗi nhiều người phải thốt lên: "Nếu còn lương tâm, xin đừng khoét sâu thêm nỗi đau cho gia đình cháu nữa!".
Phát biểu tại Hội thảo "Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em" sáng 8-8, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, nhận định việc công khai thông tin, hình ảnh của cháu bé đã vi phạm Luật Trẻ em. Ông Nam cho biết thêm ông đặc biệt rất sốc khi hình ảnh cháu bé được bảo vệ bế vào phòng y tế trong tình trạng cứng đờ người bị chia sẻ tràn lan. Đây là những hình ảnh có sức mạnh tố cáo, là bằng chứng cho vụ việc nhưng chỉ nên để cơ quan chức năng xử lý. Việc đưa những hình ảnh này lên truyền thông là rất phản cảm, tác động tiêu cực đến tâm lý cộng đồng xã hội. Ở một số quốc gia điều này bị nghiêm cấm tuyệt đối. Những tổ chức hoạt động chuyên nghiệp về quyền trẻ em quy định rất chặt chẽ về việc không đưa những hình ảnh gây sốc và phản cảm về trẻ em vào các tài liệu truyền thông, thay vào đó là hình minh họa, hoạt hình, biểu tượng…
Ở Việt Nam, điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em (vì lợi ích tốt nhất cho trẻ) là hành vi bị nghiêm cấm.
Bình luận (0)