Phóng viên: Dưới góc độ của một chuyên gia đào tạo kỹ năng sống cho giới trẻ, ông nhìn nhận như thế nào về trào lưu “Đủ like là làm”, “Like cho chết”?
- Thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt: Trang cá nhân trên mạng xã hội là một “bản sao, bản chụp” thể hiện sinh động tâm lý con người, qua đó cho thấy cá tính của người dùng. Nói cách khác, đó cũng là “bộ mặt” của người dùng. Việc thể hiện “bộ mặt” đó ra sao là tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người.
Tuổi mới lớn thường có nhu cầu được khẳng định bản thân nên đôi lúc thiếu tỉnh táo, lựa chọn cách thức gây sốc để thu hút sự chú ý của cộng đồng nhằm thỏa mãn nhu cầu được nổi tiếng. Đó là con đường ngắn nhất để trình diễn cái tôi và bản sắc cá nhân, để nhận được sự quan tâm của nhiều người bởi tính “kích thích” của những hành động xốc nổi. Cảm giác “sung sướng”, “thỏa mãn” sẽ xuất hiện khi bỗng chốc được cả ngàn người “ủng hộ”, “tung hô”, dù là ảo.
Có thể ý định ban đầu của một số bạn trẻ chỉ là đăng cho vui, gây sự chú ý, thử xem sao trong lúc buồn chán. Nhưng sau đó, họ đã không thể kiểm soát chính mình khi chịu sức ép “bắt phải làm” từ cộng đồng mạng, những người đã tốn công “bấm like” cho họ để thực hiện lời hứa “Nói là làm”.
Còn hiện tượng “thêm dầu vào lửa”?
- Nói về đám đông nhiệt tình “like”, tôi nghĩ có hai dạng. Một là, những người tò mò, bị thu hút thật bởi chính nội dung bài viết nhưng số này không nhiều. Hai là, những người “thấy ghét” nên cứ bấm “like”, thậm chí kêu gọi bạn bè “like” để coi sự “chơi ngông” của chủ Facebook đến mức độ nào. Số người này có vẻ nhiều hơn.
Những đám đông ấy không có bất cứ trách nhiệm, chịu sự ràng buộc hoặc liên lụy gì khi sự việc xảy ra mà lại có “phim hay để xem” nên cứ vô tư bấm “like”. Tôi nghĩ trong trường hợp này, người “câu like” là kẻ đáng thương, còn người “like” là kẻ vô tâm.
Ông nghĩ gia đình, ngành giáo dục, Đoàn Thanh niên cần phải làm gì để hạn chế trào lưu sống ảo này trong thanh thiếu niên?
- Đã đến lúc cần biến “ảo” thành “thật”. Các bạn trẻ có nhu cầu muốn thể hiện nhưng không tìm thấy được sự ủng hộ, tung hô ở môi trường thật (gia đình, nhà trường, các hoạt động đoàn thể...) nên phải lên mạng ảo để kiếm tìm. Về lâu dài, những hành động gây sốc nếu cứ tiếp diễn sẽ gây hậu quả lớn cho sức khỏe, tâm lý, tài sản không chỉ của chính cá nhân bạn trẻ mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Thiết nghĩ, ngành giáo dục, Đoàn Thanh niên cần tạo thêm nhiều sân chơi mang tính học thuật, năng khiếu hơn nữa; thành lập các câu lạc bộ để thanh thiếu niên có môi trường thuận lợi bộc lộ bản sắc cá nhân và khẳng định cái tôi theo hướng tích cực.
Bên cạnh đó, nhà trường nên tổ chức thêm nhiều buổi hướng dẫn, giảng dạy kỹ năng sống, góp phần định hướng cho các em về các giá trị, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, văn hóa - xã hội, góp phần hình thành nên những tính cách và hành vi đẹp, để các em hiểu được giá trị thật của cuộc sống, từ đó giảm bớt thời gian lệ thuộc vào “thế giới ảo”.
Về phía phụ huynh, không chỉ quan sát con ngoài đời mà còn cả trên Facebook để nắm bắt tình hình kịp thời; giữ những mối liên hệ với bạn bè thân thiết của con để hiểu được chúng đang gặp vấn đề gì, từ đó có hướng giải quyết phù hợp. Gia đình cần ghi nhận những sự cố gắng, tăng cường động viên những gì con trẻ thể hiện để các em cảm nhận được niềm tin, sự tin tưởng, tôn trọng mà người lớn dành cho mình. Điều đó rất quan trọng ở lứa tuổi mới lớn.
Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn Luật sư TP HCM):
Tỉnh táo để không hại người, hại mình
Trào lưu “Đủ like là làm” đang biến tướng nguy hiểm, vượt quá giới hạn cho phép khi nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Về mặt xã hội, một số người vì muốn được nổi tiếng nên đã nghĩ ra nhiều chiêu trò nhằm thu hút bạn bè ảo trên Facebook. Trước sức hấp dẫn của việc mong muốn được “nổi tiếng nhanh và ngay”, họ đã không đủ tỉnh táo để chọn lựa đúng - sai, lao vào như những con thiêu thân, “đốt” nhân cách của mình trên những nút “like”.
Đỉnh điểm của trào lưu “Đủ like là làm” là trường hợp nữ sinh ở Khánh Hòa bị ép đem xăng vào đốt trường, phía sau cô bé là đám đông hò reo, cổ vũ. Hành vi của cô bé 13 tuổi này không còn dừng lại ở mức độ “thích nổi tiếng” mà đã vượt quá giới hạn cho phép, tự biến mình thành người vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Rất may, do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự - theo điều 12 Bộ Luật Hình sự (BLHS) hiện hành, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi vô ý - và hậu quả chưa xảy ra, nữ sinh này không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể may mắn như thế.
Đối với những người trẻ trên Facebook, khi thấy bạn mình đăng dòng trạng thái “câu like”, nếu “vô tư like” cũng có thể gánh lấy hậu quả. Việc nhấn nút like “nhanh và ngay” đã vô tình khuyến khích bạn làm những việc trái thuần phong mỹ tục, đi xa hơn là khuyến khích một hành vi vi phạm pháp luật. Một số trường hợp khuyến khích hoặc kích động người đăng dòng trạng thái thực hiện hành vi phạm pháp (ví dụ đánh người, nhảy sông, đốt nhà….), nếu họ thực hiện đến mức bị xử lý hình sự thì người kích động cũng phải chịu trách nhiệm với vai trò là người xúi giục. Nhẹ thì có thể bị xử lý hành chính, nặng có thể bị xử lý hình sự. Ai xúi giục, ép buộc người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội thì có thể bị xử lý về tội “Dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp” (điều 252 BLHS). Trường hợp xúi giục người khác tự sát mà người bị xúi giục thực hiện hành động tự sát thì có thể sẽ bị xử lý về tội “Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” (điều 101 BLHS).
Do vậy, để không tự hại mình và hại người, người dùng Facebook nên tỉnh táo và cân nhắc trước khi bấm “like”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-10
Bình luận (0)