Công luận đang chỉ ra nhiều biệt phủ của quan chức ở các địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Kon Tum, Đồng Nai... Một câu hỏi đặt ra: Tại sao quan chức giàu nhanh quá vậy? Thật tình câu trả lời đã có, tuy nhiên hình như đã trở thành mặc định.
"Quan chức giàu là đương nhiên"!
Đây là một điều bất bình thường, thậm chí hết sức vô lý nếu nhìn vào mức lương của công chức. Cụ thể, lương của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương (trừ Hà Nội, TP HCM) sẽ được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 1,3, đem nhân với lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng (từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng); còn theo hiện nay là 1.210.000 đồng/tháng (từ ngày 01 tháng 5 năm 2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng,tăng khoảng 5%), sắp đến sẽ là 1.300.000 đồng/tháng (bắt đầu áp dụng từ 1/7/2017 sẽ tăng lên 1.300.000 đồng/tháng tăng 90.000 đồng/tháng). Các năm về trước còn thấp hơn. Còn khi nghỉ hưu cao nhất chỉ còn 75% lương khi đương chức.
Như vậy, lương chủ tịch UBND 61 tỉnh, thành là 16,9 triệu đồng (tính tròn 17 triệu đồng/tháng), khi về hưu chỉ còn 12,75 triệu đồng (tính tròn 13 triệu đồng). Với mức lương 17 và 13 triệu đồng/tháng so với biệt phủ cả ngàn cây vàng thì là sự chênh lệch vô lý. Riêng giám đốc sở, trưởng phòng…thì sự chênh lệch còn vô lý hơn. Chưa kể đời sống, chi tiêu của nhiều cán bộ thể hiện một đẳng cấp giàu có và sung túc. Ngoài có nhà cửa đàng hoàng, xe hơi, con cái đi du học, ăn ở nhà hàng sang trọng, đi du lich nước ngoài…
Vậy họ kiếm tiền bằng cách nào?
Câu hỏi này ai cũng có thể trả lời. Cái mà ai cũng biết sự giàu lên của quan chức xoay quanh các cách và thủ đoạn sau: Gom tiền đầu tư chứng khoán (rất tiếc, "thời oanh liệt nay còn đâu", nhiều người còn mất tiền vì "chơi" chứng khoán - làm gì có chuyện "chơi" mà có tiền!; ngoại trừ họ có "giao dịch nội gián", tay trong). Hùn vốn cùng nhau đầu tư bất động sản, phải là người có quan hệ thì mới biết được thông tin quy hoạch, thị trường, và tất nhiên phải có vốn tương đối mới có thể trụ được.
Bổng lộc từ vị trí và đặc quyền gắn với ghế ngồi, thậm chí mua quan bán chức, bán chữ ký. Cơ chế xin-cho kéo dài món mồi béo bở cho quan chức làm ăn.
Làm thêm các công việc có liên quan với lĩnh vực mình đang phụ trách, vì vị trí công tác có điều kiện có được thông tin, đặc quyền, có mối quan hệ rộng và được các đối tác vì nể và mong "có qua có lại". Một số người có doanh nghiệp "sân sau" thì làm rất thuận lợi, có khi chỉ "bán hợp đồng" xong là có phần trăm liền.
Hoặc có người hùn vốn với bạn bè, thường để vợ con đứng tên mở doanh nghiệp kinh doanh gì đó, đây là cách khá phổ biến. Nhưng thật ra vì quan chức có tiền và các mối quan hệ che chắn khi hữu sự như thanh tra, quản lý thị trường, công an, thuế vụ, hải quan, ngân hàng, thậm chí tòa án…tất cả đều có lợi trong ma trận làm ăn. Kiểu này có tên là "tư bản thân hữu".
Trong tiến trình cổ phần hóa, khi luật lệ chưa đầy đủ, còn nhiều kẽ hở, họ tích cực cổ phần hóa thu gom cổ phiếu rẻ như cho, cổ phiếu ưu đãi rồi gần như tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp gia đình, họ trở thành các "ông chủ đỏ". Còn quan chức các cơ quan kiểm tra xét duyệt Đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước X,Y nào đó cố tình làm ngơ những lỗi, thậm chí vẽ đường cho hươu chạy, bù lại phong bì dày cộm là chuyện nhỏ, mà là cổ phiếu ưu đãi cho vợ con đứng tên vừa "sạch", vừa an toàn. Mỗi năm làm chục cái doanh nghiệp cổ phần, tiến độ được đẩy nhanh vừa được khen, chẳng mấy chốc giàu lên thì có gì mà lạ.
Điểm mặt 4 loại tham nhũng
Người ta có thể chia tham nhũng thành bốn loại cơ bản: tham nhũng để đẩy nhanh tiến độ để công việc trôi chảy, tham nhũng hành chính là "làm khó để ló ra tiền", tham nhũng do "bẻ cong pháp luật" và tham nhũng chính sách. Mặc dù trong hầu hết các trường hợp, tham nhũng có thể là do tình trạng vơ vét bổng lộc gây ra, song những cá nhân ích kỷ tìm cách tối đa hóa lợi ích của riêng họ cũng như các bộ luật phức tạp, mập mờ và thiếu tính khả thi cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó.
Tham nhũng chính sách do những quan chức thuộc hàng "cớm kẹ" mới làm được. Họ đặt ra kế hoạch làm sân bay này, bến cảng nọ, con đường cao tốc kia bất kể cần thiết hay không, khả thi hay không. Số này làm giàu nhanh, nhưng khó đụng đến, biết đó nhưng khó phanh phui.
Nguyên tắc là các quan chức không dại gì dùng tên mình đứng tên chủ sở hữu tài sản vừa tránh dư luận lại vừa an toàn cho mình nên bao giờ cũng để cho người thân, người này người nọ đứng tên.
Họ đầu tư cho vợ con về kinh tế, về địa vị chính trị vào những vị trí béo bở để kiếm tiền.
Nói về đầu tư chính trị gài vào vị trí béo bở bổ nhiệm cho con cái dòng họ, người nhà thời gian qua phanh phui xử lý chỉ là bề nổi của tảng băng, do các quan chức nông cạn, kém sâu sắc, quen thói làm ẩu bất chấp. Còn loại sâu sắc tính đường dài, "sạch sẽ" là họ dùng tiền, quyền lực cho con du học bài bản (với lương công chức khó mà cho con du học,chỉ khi có làm thêm lương thiện hay không lương thiện chứ trông vào học bổng thì hy hữu). Các cậu ấm cô chiêu có được những tấm bằng danh giá, nói tiếng tây lưu loát thì bố trí vào đâu chẳng được. Chẳng bao lâu, với cái lý lịch "vừa hồng vừa chuyên" thì được cất nhắc. Công bằng mà nói, trong số "con ông cháu cha này" có em làm việc nghiêm túc, hiệu quả, coi như đã trả một phần món nợ "cơm áo" của cha mẹ họ với nhân dân. Số còn lại với cái "zen " quyền biến di truyền từ cha mẹ thì cất nhắc lên vị trí cao mấy hồi. Lúc đấy tha hồ chụp giật một cách tinh vi hơn thì tội lỗi càng chất chồng với đất nước, nhân dân.
Tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng, hơn cả Trung Quốc, Indonesia… Có ý kiến cho rằng tham nhũng là "quan nạn", không phải là "quốc nạn". Bởi vì chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới tham nhũng được, còn người dân, cán bộ công chức bình thường không thể tham nhũng. Lý lẽ này trúng phóc, bởi vì tham nhũng thuộc nhóm tội phạm có chức vụ.
Giải cách nào?
Phải thấy rằng, địa chỉ của tham nhũng, không đâu khác là ở các cơ quan công quyền, ở các quan chức từ lớn đến nhỏ, bất kể ai nếu không ngay ngắn đều có thể trở thành kẻ tham nhũng. Đúng là trong xã hội truyền thống của nước ta, lâu nay vẫn tồn tại một lối suy nghĩ "thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ...". Trên thực tế cuộc sống lâu nay, ai làm ngành nào thì cố gắng tìm kiếm những khả năng, cơ hội để thu vén, hoặc ở mức độ cao hơn đặt ra những tiêu chuẩn chế độ để thụ hưởng, thực chất là sử dụng "đặc quyền" để "trục lợi".
Chỉ thị số 33 - CT/TW ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị nêu rõ: "Thời gian qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế…" .
Theo Thanh tra Chính phủ, hơn một triệu bảng kê khai tài sản chỉ phát hiện 5 trường hợp kê khai không đúng và chỉ một trường hợp trong số này bị hình thức cảnh cáo !?
Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cơ chế kiểm soát tài sản của cán bộ công chức đang tắc... Kê khai là cơ sở để cho anh xác minh, đánh giá, có trung thực hay không thể hiện trong kê khai đó. Còn xác minh quan trọng lắm. Xác minh không phải chỉ có cơ quan chức năng xác minh đâu mà mình cũng lắng nghe từ quần chúng, vai trò phản biện từ các tổ chức xã hội họ cung cấp cho mình rất nhiều thông tin. Do đó, tài sản do người thân lãnh đạo đứng tên cũng cần có xác minh, cần đánh giá để nhận diện vấn đề cho rõ hơn mới có cách xử lý hợp lý.
Nguyên nhân chủ yếu chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát quyền lực công. Xưa nay quyền lực là một vấn đề nhạy cảm, một con dao hai lưỡi. Ở đâu có quyền lực ở đó có người đến luồn cúi, cầu cạnh, bớt xén... Và ai cũng biết rằng khi quyền lực không được kiểm soát hay kiểm soát không có hiệu quả thì thật tai hại. Hầu hết các nước kém phát triển, khi quyền lực liên kết với tư bản trong làm ăn thì phân hóa giàu nghèo càng khó giải quyết. Về mặt lý thuyết thì quyền lực chính trị là khả năng quyết định ai sẽ nhận dược "cái gì" để làm ra được "cái gì" và cho " ai được hưởng".
Tham nhũng là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế-xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tham nhũng ở nước ta là "xây dựng nhà nước pháp quyền chưa triệt để". Ba bộ phận lập pháp, hành pháp và tư pháp ở ta chưa rõ ràng, chưa thể kìm chế kiểm soát nhau để ngăn chặn tham nhũng.
Vì thế, phải tăng cường sự giám sát của cơ quan quyền lực Quốc hội và HĐND các cấp. Phải có Luật giám sát phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, kiện toàn các cơ quan hoạt động tư pháp, phải đề cao trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền và cuối cùng là xây dựng cho bằng được văn hóa nói không với tham nhũng: không muốn, không dám và không thể tham nhũng.
Diệp Văn Sơn (chuyên gia cải cách hành chính, nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ)
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
* Tít phụ do Tòa soạn đặt
Bình luận (0)