Chiều 16-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân và báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 của QH.
Phát hiện các vụ tham nhũng còn chậm
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã nhận được 2.901 ý kiến, kiến nghị của cử tri; tập trung vào 6 nhóm vấn đề: sản xuất - kinh doanh; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; y tế và an toàn thực phẩm; giáo dục - đào tạo và dạy nghề; an ninh trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt là về đấu tranh, chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ.
Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, khẳng định có tình trạng đẩy việc lên cấp trung ương Ảnh: TTXVN
Cử tri ghi nhận những kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian qua; đặc biệt là việc phát hiện, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, đưa ra xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng. "Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng việc phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm. Việc làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời" - ông Mẫn nói.
Theo ông Mẫn, cử tri yêu cầu các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, đảng viên có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; cần phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ, báo chí và nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng...
Đừng làm "đẹp" lòng nhau!
Trình bày về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 của QH, Trưởng Ban Dân nguyện của QH Nguyễn Thanh Hải cho biết qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV của các đại biểu QH tại 63 tỉnh, thành trực thuộc trung ương, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 3.320 kiến nghị của cử tri.
Việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành chưa được xem là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với bộ trưởng, trưởng ngành nên đến nay vẫn còn 133 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm. Trong đó, một số bộ còn nhiều kiến nghị chưa giải quyết xong như: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (32 kiến nghị), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (20 kiến nghị), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (17 kiến nghị)…
Đặc biệt, có những kiến nghị mà cử tri kiến nghị từ Kỳ họp thứ 8 QH khóa XIII (tháng 10-2014) tới nay vẫn chưa được giải quyết và cũng không có báo cáo gì thêm với cử tri về việc có tiếp tục giải quyết nữa hay không, lộ trình giải quyết như thế nào.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt cho rằng cần tăng cường công tác giám sát trả lời kiến nghị của cử tri. Phần lớn những bức xúc của người dân ở tuyến tỉnh, xã (chiếm 80%). Các kiến nghị ở cấp trung ương chủ yếu rơi vào chính sách; còn của tỉnh, huyện, xã đều gắn với vấn đề an sinh xảy ra trên địa bàn.
"Tôi rất lo tất cả đơn thư vòng vo. Có tình trạng xảy ra ở địa bàn thì xã không giải quyết, đẩy lên huyện, huyện lên tỉnh, tất cả kiến nghị đó lên trung ương thì tỉnh đề nghị để xã giải quyết nhưng xã có giải quyết đâu. Làm dân khổ lắm! Vừa rồi, ở Quảng Bình có ông cụ 78 tuổi đến vái tôi vì giải quyết đất đai không thỏa đáng" - ông Việt nêu.
Theo ông Việt, những vụ việc bức xúc xảy ra vừa rồi nếu tập trung giám sát thì người dân rất đồng tình. Vì vậy, cần làm thế nào để kiến nghị đừng vòng vo, đừng làm "đẹp" lòng nhau khi bản chất khác, lên báo cáo lại khác.
Ngày 17-5, dự kiến Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 của QH; cho ý kiến (lần 2) về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Bình luận (0)