Sau khi Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài Bị ép theo phong trào “văn hóa”, nhiều bạn đọc đã đồng tình và cho rằng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa... đã xa rời mục tiêu tốt đẹp ban đầu. Hiện nay, những chương trình này chỉ hô hào khẩu hiệu để địa phương báo cáo thành tích lên cấp trên.
Bạn đọc dẫn chứng địa phương nào cũng có gần 100% khu phố văn hóa nhưng hãy nhìn vào cuộc sống của người dân ở địa phương đó thì như thế nào? Cụ thể, ở Đồng Nai có rất nhiều khu phố văn hóa nhưng khi một xe tải chở bia bị tai nạn thì bao nhiêu con người tranh nhau cướp mặc cho tài xế van xin vào ngày 4-12. Tại nhiều địa phương khác, bãi rác được tập kết ngay dưới tấm biển khu phố văn hóa, làng xóm chửi mắng nhau suốt ngày, hút chích tràn lan...
Bạn đọc Nguyễn Vân Anh nhận xét: “Đây là phong trào rất hình thức, tốn nhiều tiền của, sức dân và tạo điều kiện cho cấp cơ sở quá nhiều quyền hành. Tình trạng mua bán lấn chiếm lề đường tràn lan, rác xả đầy đường, hàng quán “nhạy cảm” nhan nhản thì làm sao gọi là văn hóa? Hãy lo việc thiết thực như sắp xếp nơi mua bán cho người nghèo, chống ngập lụt, xây trường mẫu giáo, giảm tải bệnh viện... Đó mới là việc làm thiết thực, được người dân đều đồng tình, hoan nghênh”.
Theo nhiều bạn đọc, nếu tổ dân phố không lo cho nhiều hộ đạt gia đình văn hóa thì mất danh hiệu tổ dân phố văn hóa. Phường mà không đạt tỉ lệ tổ dân phố văn hóa thì cũng chẳng có danh hiệu phường văn hóa... Cứ thế, từng cấp hành chính chạy theo những phong trào rất gượng ép và hiển nhiên cuộc sống người dân không vì thế mà “có văn hóa” hơn.
Cụ thể về việc o ép người dân mua biển hiệu “Quyết tâm xây dựng gia đình văn hóa”, bạn đọc Khải Lê nhận xét: “Chính việc làm này đã... thiếu văn hóa. Hãy tính xem tiền chi cho việc kẻ pano, khẩu hiệu, băng rôn, tranh ảnh, in ấn, họp hành, tuyên truyền, duyệt xét, bình bầu... trong cả nước một năm tốn bao nhiêu? Đâu đâu cũng có khu phố văn hóa nhưng lúc nào chúng ta cũng phải tăng cường phòng chống tội phạm, ma túy, cá độ, đua xe... Làm phong trào mà không thực chất thì người dân sẽ xem thường, nhàm chán”.
Chẳng thấy tự hào Bạn đọc Phạm Thanh ngán ngẩm: “Được trao giấy công nhận gia đình văn hóa mà chẳng tự hào gì. Gia đình tôi xưa nay sống vẫn vậy, cố giữ nền nếp và hòa nhã cùng hàng xóm. Ở hẻm bên cũng có một gia đình nhận giấy công nhận gia đình văn hóa nhưng suốt ngày đánh chửi nhau, con cái bỏ học, lêu lổng ngoài đường...”. |
Bình luận (0)