Phóng viên: Thưa ông, 76% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH) vào năm 2012 là một con số ấn tượng. Vậy nếu đánh giá ngắn gọn về phong trào xây dựng GĐVH thời gian qua thì điều gì là nổi bật?
- Ông Phạm Văn Thủy: Vào những năm 1960, tại thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên có 6 hộ gia đình tự nguyện cùng nhau xây dựng GĐVH. Nhận thức mô hình này có ý nghĩa nhân văn, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã nhân rộng thành phong trào trên toàn quốc.
Đến nay, phong trào ngày càng phát triển về chiều rộng và bề sâu, thu hút 90% gia đình sinh sống ở nông thôn hoặc cư trú trên các địa bàn khu dân cư tham gia. Năm 2006, cả nước có gần 15 triệu hộ đăng ký xây dựng GĐVH, số đạt chuẩn là 72,58%. Đến năm 2012, con số này đã là trên 16 triệu hộ, gia đình đạt chuẩn lên tới 76%.
Phong trào đã tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam. Việc xây dựng GĐVH thực sự trở thành môi trường giáo dục quan trọng, nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của các thành viên trong gia đình.
Thực tế, vẫn còn nhiều lời ra tiếng vào về việc bình chọn GĐVH chưa thực chất, tùy tiện và người dân không được tham gia bình chọn?
đạt danh hiệu gia đình văn hóa Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Một điều đáng lo lắng hiện nay là phong trào ngày càng phát triển nhưng chất lượng GĐVH chưa vững chắc, thể hiện ở chỗ các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc đã và đang xâm nhập vào gia đình.
Cũng phải thẳng thắn thừa nhận tỉ lệ gia đình đạt chuẩn GĐVH hằng năm đều tăng nhưng đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp, các giá trị văn hóa gia đình đang bị đảo lộn… Ngoài ra, nguồn kinh phí đầu tư cho phong trào còn hạn chế, nhiều nơi mới chỉ dừng ở việc bình xét, ra quyết định công nhận chứ chưa có mức khen thưởng cho các GĐVH nên không tạo được động lực thúc đẩy, cổ vũ phong trào.
Những hạn chế này bắt nguồn từ đâu, thưa ông?
- Ở một số nơi, nhận thức của lãnh đạo chính quyền và người dân về vị trí, vai trò của gia đình và GĐVH chưa đúng mức, còn biểu hiện xem nhẹ công tác này và coi đây là nhiệm vụ của ngành văn hóa.
Điều này dẫn đến sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể thiếu chặt chẽ, chạy theo thành tích, nặng về số lượng mà chưa chú trọng nâng cao chất lượng, né tránh hoặc hữu khuynh trong quá trình bình xét, công nhận danh hiệu. Công tác kiểm tra, uốn nắn những thiếu sót, bất cập trong tổ chức thực hiện việc bình chọn cũng chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác này còn thiếu và yếu, đặc biệt là đội ngũ cán bộ văn hóa - xã hội ở cơ sở.
Theo mục tiêu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2015 có 80% và năm 2020 là 85% trở lên số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn GĐVH. Số lượng có phản ánh đúng chất lượng?
- Để phong trào đi vào chiều sâu, chất lượng cũng như tiêu chí công nhận được các gia đình tự giác thực hiện thì cần nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa gia đình, cần đưa nội dung phong trào xây dựng văn hóa gắn kết phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.
Thực tế cho thấy để phong trào đi vào thực chất, cần phát huy dân chủ trên mọi lĩnh vực để người dân tự giác đăng ký, bình xét và chú trọng thực hiện nội dung các tiêu chí cụ thể. Phải căn cứ theo đặc điểm từng vùng miền, khu vực dân cư để vận dụng các tiêu chí phù hợp với phong tục tập quán, đặc điểm văn hóa, lối sống, tôn giáo để người dân thực hiện.
Công tác đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu GĐVH cũng phải được tiến hành định kỳ hằng năm kết hợp với kiểm tra, giám sát, rà soát lại chất lượng thường xuyên để điều chỉnh hoạt động hiệu quả, không chạy theo thành tích.
Khó đạt tỉ lệ cao chót vót! Kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho thấy 29,5% số người được hỏi biết rõ về các tiêu chuẩn GĐVH; 55,2% “có nghe nói” nhưng không biết rõ về các tiêu chuẩn; 15,2% không biết đến hệ tiêu chuẩn trong bản đăng ký hằng năm. Việc bình bầu danh hiệu GĐVH ở nhiều nơi còn nặng tính hình thức. Có địa phương phát động đăng ký đầu năm, bình xét cuối năm nhưng cũng có địa phương, trưởng thôn, tổ trưởng thay mặt dân làm hết, cuối năm phát cho các gia đình giấy chứng nhận GĐVH. Chính vì vậy, không ít ý kiến cho rằng nếu làm đúng, bình xét chặt chẽ thì tỉ lệ gia đình đạt danh hiệu GĐVH không thể cao đến vậy. |
Bình luận (0)