Bất chấp những nỗ lực để phát triển du lịch của chính quyền và người dân TP HCM, tình trạng "chặt chém", trấn lột du khách ở chợ đêm Bến Thành vẫn ngang nhiên diễn ra. Chỉ khi cùng nhóm bạn nước ngoài trải qua, tôi mới nhìn thấu được vẻ mặt xấu xí của nơi này.
10 người xây không bằng 1 người đạp đổ
Bị thu hút bởi xe xôi nhiều màu sắc nghi ngút khói, người bạn quốc tịch Sri Lanka tỏ vẻ thích thú, hỏi tôi: "Có thể thử tất cả không?". Cuộc đối thoại chỉ có thế nhưng người đàn bà luống tuổi có gương mặt mang đậm nét kỹ thuật điêu khắc chân mày, mí mắt, môi xưa cũ, thoăn thoắt lấy tất cả các loại xôi (mỗi thứ một ít) cho vào chiếc hộp nhỏ. Chưa đầy 30 giây sau, bà ta đưa hộp xôi cho khách và phán gọn lỏn: "50.000 đồng". Bất ngờ tột độ, bạn tôi xua tay: "Không, tôi không mua một hộp xôi có giá 50.000 đồng". Bà chủ xe xôi từ tốn: "Bán cho ai cũng vậy. Cầm đi. 50.000 đồng". Kèm theo đó là cái nhìn "muốn ăn tươi nuốt sống" người đối diện.
Không muốn đôi co, bạn tôi cố gắng thỏa thuận: "Tôi chỉ có 30.000 đồng. OK?". Người đàn bà cầm 30.000 đồng nhưng vẫn giữ gói xôi trên tay. "No. 50.000 đồng". Bạn tôi tỏ vẻ bực mình: "Tôi không lấy". Bà gằn giọng: "Xôi đã chan nước dừa, ai ăn? Mày phải lấy", dứ gói xôi trước mặt khách rồi ném xuống bàn, miệng bà tuôn ra đủ thứ từ ngữ tục tĩu.
Chợ đêm Bến Thành Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Với tay lấy hộp xôi, bạn tôi bực mình ném thẳng vào sọt rác rồi thốt lên: "Việt Nam! Trời ơi, Việt Nam!". Tôi im lặng, cảm giác xấu hổ khiến không nói được lời nào.
Đêm thứ 2, sau khi dạo một vòng chợ với thái độ thận trọng hơn, chúng tôi chọn quán ăn ở trong chợ đêm Bến Thành để thưởng thức ẩm thực. Vừa ngồi xuống ghế, một người đàn ông bán võng lấy chiếc võng mắc lên cổ Lahiru (bạn tôi, người Sri Lanka, sống ở Úc) rồi ra hiệu: "Mua đi, rẻ thôi". Sợ phiền, bạn tôi vừa xua tay vừa lắc đầu. Sau một hồi nài nỉ, người đàn ông bán võng lấy lại món đồ của mình rồi lầm bầm bỏ đi. Thế nhưng, chỉ mới vài bước chân, ông ta quay lại, chỉ tay vào mặt Lahiru rồi chửi thề. Trong khi bạn tôi còn ngơ ngác, tự hỏi chuyện gì đang xảy ra, người đàn ông bán võng bỏ đi. Rồi dường như vẫn chưa hả dạ, ông ta quay lại, chỉ tay vào mặt bạn tôi lần nữa và tiếp tục chửi, rồi mới quày quả bước. Tức giận, bạn tôi đứng lên nhưng những người bạn đi cùng giữ tay anh.
Thương mại "du côn"
Những cửa hàng bán đồ lưu niệm ở chợ đêm cũng ẩn chứa đầy những nỗi ám ảnh. Hàng được kê giá lên gấp 10 lần, dù du khách có giỏi trả cỡ nào vẫn dính "bẫy". Tuy nhiên, đáng sợ nhất vẫn là thái độ của tiểu thương. Khi tôi trả giá 60.000 đồng cho bộ móc khóa lưu niệm được ra giá 180.000 đồng, cô nhân viên sạp quà lưu niệm quét đôi mắt sắc lẹm, gằn giọng: "Tôi không nói chuyện với cô. Tôi muốn nghe ông Tây này nói". Sau cuộc đôi co giải thích rằng khách Tây đã ủy quyền mua hàng cho tôi, cô nhân viên xinh gái ném món hàng xuống sạp, bỏ đi lầm bầm: "180.000 đồng, trả giá 60.000 đồng, bộ muốn ăn đập hả?". Những vị khách lại thêm một lần ngơ ngác. Cuối cùng, ông chủ sạp cũng đồng ý: "60.000 đồng, bán luôn".
Trong khi đó, cô nữ nhân viên nói với những vị khách Tây khác đang đứng quanh đó: "Hotel bùm bùm không?". Câu nói được nhắc đi nhắc lại với bất cứ vị khách Tây nào đi qua cô. Nó dường như là điều không mới lạ cho những người Việt và khách Tây ở đây. Bởi trong lúc đi dạo chợ đêm Bến Thành, họ không ít lần được nghe câu chào mời công khai: "Massage bùm bùm không?".
TP HCM đang cố gắng thay đổi để trở thành địa điểm thu hút khách du lịch. Hàng loạt những dự án được các công ty du lịch triển khai và chợ đêm Bến Thành là một trong những địa điểm du lịch thú vị cho du khách trong lịch trình ghé thăm TP. Thế nhưng, phải có trải nghiệm thực tế mới cảm nhận hết những cái xô bồ, xấu xí, khó chấp nhận được đang tồn tại ở đây khiến cho nhiều du khách "một đi không trở lại".
Để TP HCM trở thành điểm đến của khách trong và ngoài nước, TP phải thay đổi rất nhiều, từ chính sách thu hút, đầu tư cho du lịch, chiến lược phát triển đến sản phẩm du lịch, cung cấp dịch vụ, đặc biệt là con người. Người dân có thân thiện, trung thực; phục vụ có tâm, hết mình với khách hay không? Điều này đòi hỏi phải có sự tuyên truyền, giáo dục, giám sát và xử phạt nghiêm minh của cơ quan chức năng.
TP HCM hiện có các loại hình du lịch cơ bản, gồm: ẩm thực, mua sắm, sinh thái, y tế, MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm), du lịch đường thủy và vòng quanh TP.
Bình luận (0)