Câu chuyện hàng loạt địa phương xin trung ương cấp gạo cứu đói cho người nghèo nhưng lại bỏ tiền tỉ ra để bắn pháo hoa đã gây bức xúc dư luận. Số tiền dành để bắn pháo hoa có thể giúp được bao gia đình đang khó khăn vượt qua cái đói.
Nhiều bạn đọc cho rằng khi người dân còn đói thì chính người đứng đầu địa phương phải thấy xấu hổ. “Khi báo cáo, ông nào cũng “nổ” về đủ cái tốt đẹp, thành tựu của địa phương. Trong khi đó, năm nào cũng xin ngân sách từ trung ương để chi phí cho tỉnh. Vậy hô hào bắn pháo hoa làm chi cho thêm khổ” - bạn đọc Nguyễn Văn Ninh nói.
Người dân thực sự thưởng thức pháo hoa khi cuộc sống đủ no ấm
Quá thất vọng với cán bộ địa phương, bạn đọc Trần Anh (ngụ tỉnh Ninh Thuận) bày tỏ: “Khi một tỉnh mà có đến 140.000 nhân khẩu bị đói thì thử hỏi năng lực của lãnh đạo tỉnh đó ra sao? Xin hơn 2.000 tấn gạo mà vẫn đòi bắn pháo hoa để làm gì? Người dân muốn xem pháo hoa nhưng không phải với cái bụng rỗng”.
Đáng lo ngại là những cách “chơi sang” như trên ngày càng phổ biến, bất chấp đời sống của người dân thế nào. Hễ địa phương này bắn pháo hoa thì địa phương kia cũng phải có cho bằng được; nơi này xây trụ sở hoành tráng thì nơi khác cũng phải “đua” cho bằng trong khi những chính sách xã hội thực hiện cho người nghèo thì giẫm chân tại chỗ. Đây chính là thói xa hoa, xa rời quần chúng mà hằng ngày, hằng tuần trong các buổi họp ở từng địa phương luôn được nêu ra để tránh xa. Nói cách khác, nhiều cán bộ nói hay nhưng làm dở.
Trước câu trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính, rằng “người dân chửi khi tỉnh không chịu bắn pháo hoa”, nhiều bạn đọc cho đây là ngụy biện. “Đừng mang người dân ra mặc cả như thế. Tội lắm! Tiền ngân sách cũng của dân, tiêu đồng nào xót đồng đó, chẳng mấy ai muốn bắn pháo hoa trong khi cả ngàn người khác đói” - bạn đọc Thanh Bình thẳng thắn.
Trong danh sách xin gạo cứu đói có nhiều tỉnh ở những vị trí hết sức thuận lợi, có điều kiện phát triển kinh tế nhưng nhiều năm qua vẫn không khá nổi. “Dường như xin gạo cũng là cách “kể khổ” với trung ương để dễ bề xin ngân sách bổ sung hằng năm. Xin riết mà người dân thấy cũng ngại nhưng cán bộ lãnh đạo thấy bình thường. Hãy làm như tỉnh Khánh Hòa, xin gạo cứu đói nhưng thấy xấu hổ quá liền xin rút. Năm nay, trích ngân sách của tỉnh 9,4 tỉ đồng để mua gạo hỗ trợ người nghèo ăn Tết. Lãnh đạo các tỉnh khác nên học hỏi” - bạn đọc Nguyễn Văn Nông so sánh.
Bình luận (0)