Để mất hơn 68 ha rừng và hơn 60 cây thông trong Trường tiểu học Quảng Sơn bị chặt phá mà không biết cùng một số sai phạm khác nhưng ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (huyện ĐắkG’Long, Đắk Nông) chỉ bị huyện thi hành kỷ luật cảnh cáo vì "công tác tổ chức cán bộ tại UBND xã Quảng Sơn còn gặp nhiều vấn đề khó khăn" (về sau UBND tỉnh yêu cầu nâng mức kỷ luật cách chức). Lý do của huyện đưa ra là hết sức vô lý, khó có thể chấp nhận được bởi hành vi này là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Đảng về công tác cán bộ.
Trong cao trào của công cuộc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hiện nay, số lượng cán bộ, công chức kể cả cấp huyện và cấp xã dôi dư, không biết sắp xếp ở đâu là rất lớn. Trong khi đó, số lượng sinh viên- những người trẻ tuổi, có tri thức ra trường nhưng không thể tìm được việc làm ngày càng nhiều. Vì thế, không thể nói khó khăn cán bộ được. Thiếu cán bộ, huyện có thể tổ chức thi tuyển, khi đó sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người đủ điều kiện để làm chủ tịch xã.
Hơn nữa, một cán bộ đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy vẫn cho tiếp tục chức vụ hiện tại thì liệu hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành ở địa phương có đạt được? Đặc biệt đây lại là cán bộ chủ chốt ở cơ sở, uy tín là rất quan trọng. Nếu không còn uy tín với nhân dân địa phương, liệu ông Hiếu với tư cách là người lãnh đạo cao nhất ở xã có thể có giáo dục, thuyết phục, vận động người dân địa phương chấp hành tốt pháp luật?
Do đó, việc thực hiện kỷ luật nghiêm theo quy định pháp luật là rất cần thiết và phải thực hiện chứ không thể viện bất cứ lý do gì để bao che, dung túng cán bộ sai phạm.
Bình luận (0)