Vừa qua, tại kỳ họp thứ 17, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trung ương đã kết luận những vi phạm, khuyết điểm của một số tổ chức Đảng, đảng viên; trong đó có nhiều đảng viên là cán bộ cấp cao đương chức và đã nghỉ hưu. Những khuyết điểm của các tập thể, cá nhân là nghiêm trọng đến mức phải thi hành kỷ luật.
Chặt thì có chặt nhưng…
Thông tin nóng nhất và có lẽ gây bất ngờ dư luận nhất là việc UBKT trung ương kết luận về những vi phạm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Những vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh được cho là nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật.
Cùng với đó là ngày 20-9, Ban Bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã xem xét và quyết định kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Phong Quang (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011- 2016) và ông Nguyễn Anh Dũng (Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem).
Trước các trường hợp trên là hàng loạt vụ việc liên quan đến nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, ông Trịnh Xuân Thanh; Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa... Trong các vụ đại án xảy ra ở ngành ngân hàng có Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Sơn... Chưa kể đến chuyện biệt phủ ở Yên Bái lùi năm lần bảy lượt việc công bố kết luận thanh tra, hay chuyện cả họ làm quan... vẫn biệt tăm. Những chuyện như vậy như xát muối vào niềm tin của dư luận, nhân dân trong công tác cán bộ.
Có điều nếu quan sát kỹ thì như thành thông lệ, đó là cứ mỗi lần UBKT trung ương công bố thì lại thấy có vị thuộc diện Ban Bí thư quản lý bị nêu tên. Chung quy vi phạm, khuyết điểm vẫn là thiếu trung thực trong kê khai tài sản, văn bằng hay dấu hiệu tham nhũng...
Trước thềm Hội nghị Trung ương 6 bàn về công tác tổ chức mà bức tranh toàn cảnh công tác cán bộ còn khá nhiều vấn đề nổi cộm. Trong đó, dư luận chưa thể an tâm với công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ lãnh đạo.
Hệ thống đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của chúng ta hiện nay theo một bảng tiêu chuẩn, quy trình khá phức tạp, qua nhiều yêu cầu, nhiều công đoạn, tầng nấc. Chặt thì có chặt nhưng thực tế vẫn có những "con voi chui lọt lỗ kim". Đó là có một bộ phận không nhỏ cán bộ không xứng đáng vẫn được đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng ở các cấp, đến khi vỡ chuyện mới ngã ngửa ra, vi phạm bị phát hiện rất nghiêm trọng.
Những câu hỏi mà dư luận thường đặt ra là có lỗ hổng, trục trặc nào trong quy trình bổ nhiệm được cho là rất chặt chẽ? Trong công tác cán bộ còn mang nặng tính hình thức, thiếu khoa học và dân chủ?... Vì sao các cấp ngành thường nói "đủ tiêu chuẩn", "đúng quy trình" nhưng qua kiểm tra, thanh tra là phát hiện sai phạm?... Có quá nhiều câu hỏi đặt ra mà dù nhức nhối, đau lòng, chúng ta cũng không thể tránh né, phải nghiêm túc xem lại quy trình bổ nhiệm cán bộ.
Thẳng thắn mà nói, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ hiện nay của chúng ta có phần trừu tượng, quá chung chung, mù mờ, nặng về định tính kiểu như "có tư duy đổi mới, làm việc khoa học, không tham vọng quyền lực…". Con voi chui qua được lỗ kim là vì vậy.
"Bảo vệ phe ta"
Đó là nói về quy trình. Trong công tác cán bộ hiện nay, việc chọn người đủ tâm và tầm cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Có thể thấy công tác tuyển chọn, đề cử, bổ nhiệm đề bạt chưa thật sự công khai, dân chủ, chưa lắng nghe hết ý kiến của quần chúng; việc đề bạt, bổ nhiệm còn hình thức, lấy lệ... Cũng là lấy phiếu tín nhiệm, có thẩm tra, báo cáo thế này thế khác nhưng trong nhiều trường hợp còn mang tính đối phó. Điều đáng nói là khi có một ai đó vào "tầm ngắm" (diện quy hoạch) thì coi như đã lọt vào "mắt xanh", bằng mọi giá phải "bảo vệ phe ta", đặt lên đường ray đẩy đến đích, bất chấp dư luận.
Đã từng có những trường hợp đề bạt, bổ nhiệm những quan chức không ngay ngắn, sau đấy rơi vào vòng lao lý, như vụ PMU 18. Khi báo chí đăng lại những dư luận trong nhân dân và cán bộ, công chức trong Bộ Giao thông Vận tải về "thành tích ăn chơi", "đốt tiền" hơn cả công tử Bạc Liêu của các vị này thì lãnh đạo cấp bộ mới thốt lên: "Không ngờ", "không biết" (!?)
Nhắc lại để thấy việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ; một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng. Thực tế cho thấy câu chuyện bổ nhiệm tràn lan lúc "hoàng hôn nhiệm kỳ", bổ nhiệm "siêu tốc", luân chuyển "siêu tốc" là có thật và không ít.
Qua những vụ việc cụ thể, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn có quá nhiều sơ hở trong công tác quản lý cán bộ để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Chúng ta cũng nhận thấy quy trình đang có nhiều vấn đề chưa ổn nên cần rà soát lại, hoàn thiện văn bản pháp luật đang vận hành.
Cũng có thể nhận ra rằng việc kiểm soát, giám sát quyền lực hiện nay chưa tốt; để người có quyền lực sử dụng quyền lực tùy tiện, không tôn trọng những nguyên tắc của Đảng và nhà nước.
Các dấu hiệu tham nhũng qua những trường hợp sai phạm được UBKT trung ương phát hiện gần như có sự liên quan đến việc đề bạt, bổ nhiệm còn quá nhiều vấn đề như nói trên. Phòng chống tham nhũng, ngăn không cho căn bệnh này ăn sâu vào trong bộ máy nhà nước và lan tràn trong xã hội là việc làm cấp bách mà trung ương đang ra sức thực hiện. Chúng ta cần tiếp tục có những bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và thể hiện sự quyết liệt trong chống tham nhũng. \
Cần sửa Luật Phòng chống tham nhũng
Việc kê khai tài sản ở nước ta còn quy định chung chung, mang tính hình thức trong các văn bản pháp luật, trước hết là trong Luật Phòng chống tham nhũng. Do đó, cần sửa đổi và bổ sung luật này.
Điều quan trọng hiện nay là nội dung này sẽ được quy định như thế nào trong luật? Phải làm rõ mấy vấn đề sau: Phải kê khai đầy đủ những tài sản đang có, bao gồm tài sản đương sự đứng tên và các tài sản mà những người trong gia đình đứng tên. Hằng năm, phải kê khai số tài sản tăng lên. Làm minh bạch vấn đề này sẽ tìm ra được số tài sản bất minh do tham nhũng. Trong luật phải quy định rõ về cơ quan có trách nhiệm điều tra việc kê khai tài sản, quyết không để lọt lưới như một số trường hợp vừa qua. Luật cũng cần quy định rõ đối với những vụ việc liên quan đến các quan chức đã nghỉ hưu mà có vi phạm tham nhũng trong thời gian đương chức.
Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm
Hiện nay, vấn đề nhận xét, đánh giá cán bộ là khâu yếu nhất. Do đó, cần có quy định, đánh giá thế nào cho đúng, dựa vào nhân dân, tổ chức, đảng viên đánh giá cán bộ như thế nào chứ không phải chỉ đưa ra tập thể cấp ủy và quyết định. Quy định đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ làm sao cho dân chủ và công bằng. Phải công bố cho đơn vị, tổ chức, địa phương đó biết đề bạt ai, đề bạt đúng quy trình như thế nào.
Tất cả những người được đề bạt, bổ nhiệm phải có chương trình hành động và công bố cho địa phương, cơ sở, thậm chí đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Phải kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cụ thể, đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý cán bộ, công chức; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định luật pháp để có cơ sở đưa vào diện "quản lý đặc biệt" đối với những cá nhân có "dấu hiệu nghi vấn" vi phạm pháp luật.
Bình luận (0)