Kế hoạch xây Nghĩa trang Yên Trung (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) với nguồn vốn 1.400 tỉ đồng lấy từ ngân sách nhà nước, làm nơi an nghỉ, khu tưởng niệm các lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước sau khi từ trần, đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Khu đất tại xã Yên Trung (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) dự kiến sẽ làm nơi xây dựng nghĩa trang Ảnh: Tấn Phong
GS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Không cần thiết
Theo tôi, trong bối cảnh hiện tại của nước ta, dự án này không hợp lý. Vì sao như vậy? Thứ nhất, thời gian qua, công tác chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng của chúng ta đã đạt được những thành quả nhất định, cần phải phát huy khí thế này để đạt được những kết quả tốt hơn nữa. Nếu thực hiện dự án sẽ gây "sốc" trong nhân dân, làm giảm khí thế của công cuộc chỉnh đốn Đảng mà chúng ta đã xây dựng trong thời gian vừa qua. Chúng ta đang cố gắng củng cố niềm tin trong nhân dân, làm cho Đảng gần với dân hơn, nên cần thiết phải xem xét về dự án xây nghĩa trang này.
Thứ hai, đáng lo nhất là việc xây nghĩa trang ngàn tỉ cho cán bộ cấp cao sẽ tạo khoảng cách giữa cán bộ với người dân. Truyền thống của dân tộc Việt Nam là sự hòa đồng, gắn kết với nhân dân, việc xây dựng một khu nghĩa trang tốn kém dành riêng cho cán bộ cấp cao có phải vô tình phân biệt, tạo khoảng cách với người dân hay không? Bởi cán bộ cấp cao hiện nay là công chức cao cấp, được nhân dân tín nhiệm bầu vào các vị trí lãnh đạo. Họ đã được hưởng chế độ đãi ngộ rất tốt khi đương chức nên khi từ trần không cần thiết phải xây dựng nghĩa trang riêng. Nhiều nước trên thế giới không có khu nghĩa trang riêng dành cho cán bộ cấp cao, họ được chôn cất quy tập trong nghĩa trang nhân dân.
Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Lãng phí, không công bằng
Ngày trước chúng ta có một thế hệ chiến đấu hy sinh gian khổ, cần phải tôn vinh và đã có Nghĩa trang Mai Dịch làm nhiệm vụ đấy rồi, như vậy là đủ.
Hơn nữa, kể cả cán bộ cấp cao thì khi từ trần cũng nên trở về với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không nên dùng các đặc quyền, đặc lợi để càng xa rời nhân dân. Vì sao chúng ta không đặt vấn đề khi từ trần, nếu chôn cất các lãnh đạo cấp cao ở khu riêng thì điều tâm linh đầu tiên là họ không được nằm cạnh người thân của mình, có nên như vậy hay không?
Ngoài ra, dự án nghĩa trang ngàn tỉ được xây dựng sẽ có hàng trăm hộ gia đình đang sinh sống trên khu đất thuộc xã Yên Trung sẽ phải di dời, như vậy sẽ gây ra những tâm tư nhất định cho người dân địa phương.
Cán bộ là đầy tớ của dân, công bộc của dân, gần dân, vậy khi chết có nên xa nhân dân hay không? Xây dựng một khu nghĩa trang riêng cho cán bộ cấp cao liệu có tạo nên được sự tôn vinh, hay gây ra bức xúc, phản cảm trong xã hội? Có những dự án thật sự cần thiết, có ích cho sự phát triển của xã hội thì dù có tốn kém đến mấy chúng ta vẫn phải đầu tư nhưng dự án xây dựng nghĩa trang này thì khác. Quy mô Nghĩa trang Yên Trung được xây dựng từ 2.200 đến 2.500 ngôi mộ, mỗi phần mộ có khuôn viên 25-35 m2, đây là sự lãng phí tiền của, tạo ra sự không công bằng giữa cán bộ và người dân.
Vì vậy, tôi kiến nghị lãnh đạo các cấp sớm có ý kiến về vấn đề xây dựng Nghĩa trang Yên Trung.
Quốc hội nên có ý kiến
Trao đổi với báo chí, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng nghĩa trang để tôn vinh thì không thể xây dựng lớn như Nghĩa trang Yên Trung với quy mô hàng ngàn ngôi mộ được, như vậy sẽ rất tốn kém. Hơn nữa, hiện nay ngân sách nhà nước chưa phải dồi dào, nợ công vẫn còn cao, nếu xây nghĩa trang cho những người có chức vụ cao tiêu tốn 1.400 tỉ đồng là không ổn, có thể người dân sẽ không bằng lòng. Quốc hội nên có ý kiến về vấn đề này.
Bình luận (0)