Đọc thông tin nghi vấn người Việt khắc bậy lên phiến đá thuộc khu di tích thành cổ Yonago thuộc tỉnh Tottori - Nhật Bản và bị người dân nước này phản đối, chỉ trích hết sức gay gắt..., chắc chắn bất kỳ những ai là người Việt Nam có ý thức và lòng tự trọng đều cảm thấy xấu hổ. Cùng với nhiều hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người Việt ở nước ngoài, như tiểu bậy, xả rác bừa bãi, trộm cắp, đi lậu vé, bắt động vật về xẻ thịt…, hình ảnh người Việt đang trở nên xấu xí, phản cảm trong mắt bạn bè quốc tế.
Thực ra đây không phải lần đầu xảy ra chuyện người Việt vẽ bậy trên di tích khi đi du lịch ở nước ngoài. Một lần đi du lịch Thái Lan, chúng tôi đã đọc được dòng chữ "Anh yêu em" bằng sơn màu đỏ trên bề mặt bức tường thành cổ có tuổi đời 800 năm, thuộc di tích cổng Tha Phae ở Chiang Mai. Bên dưới của dòng chữ này có chữ ký nguệch ngoạc, mà ai cũng có thể đoán biết "thủ phạm" của nó là một người Việt Nam, không thể khác được.
Còn ở trong nước, hãy thử nhìn những cây cột điện, bức tường ngoài phố, thậm chí các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đình, đền, nhà thờ…, đâu đâu cũng dễ dàng thấy những dòng chữ, hình ảnh đầy phản cảm của một số người thiếu ý thức muốn "ghi dấu ấn" bằng việc viết, vẽ, khắc lên đó. Tệ hơn, không ít người còn "sát hại cây xanh" trong khu di tích, danh thắng bằng cách dùng dao sắc nhọn để khắc chữ, tạo hình ảnh lên thân cây, cành cây một cách xấu xí, khó chấp nhận.
Bức tường của trụ sở TAND TP HCM loang lổ vì nạn vẽ bậyẢnh: Ý Linh
Điển hình là tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), dẫu chuyện viết, vẽ bậy ở khu vực đặt trống cái và chuông bị cấm từ lâu nhưng không khó để bắt gặp những hình ảnh, dòng chữ "ghi dấu ấn" của ai đó trên thành trống. Hay tại danh thắng Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), nhiều bạn trẻ còn dùng sơn xịt để tạo hình ảnh graffiti trên cả những thân cây tùng có tuổi đời hàng trăm năm ở lối đi lên chùa Đồng; dùng bút xóa, vật nhọn viết tên, khắc chữ trên bia đá núi Bài Thơ (Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh); vẽ bậy, rạch hoặc khắc lên bề mặt tháp Po Klong Garai (TP Ninh Thuận)… Toa tàu và đầu tàu của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang đặt tại ga Cát Linh (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cũng bị bôi vẽ một số hình ảnh, chữ viết bằng sơn lên thành tàu.
Ở nhiều nước trên thế giới, việc người dân, du khách viết, vẽ bậy lên di tích, tạo hình ảnh phản cảm, nếu bị bắt sẽ bị phạt rất nặng. Không chỉ bị phạt tiền, bắt buộc xóa bỏ dòng chữ, hình ảnh bôi bẩn xâm hại di tích, người vi phạm thậm chí còn phải trải qua một thời gian lao động công ích bắt buộc... Thế mới thấy ở ta chưa nghiêm, chưa xử lý thật mạnh tay với nạn viết, vẽ bậy lên di tích, danh thắng nói riêng, cũng như nơi công cộng nói chung nên tình trạng này mới tràn lan, nhiều người vẫn thể hiện lối sống tùy tiện, thiếu ý thức.
Đã đến lúc phải áp dụng chế tài xử phạt thật kiên quyết và đủ mạnh với các trường hợp viết, vẽ bậy, may ra mới đủ sức răn đe, ngăn ngừa những người có thói quen xấu và ý thức tồi.
Ngăn thói xấu từ trong nước
Xấu hổ, phẫn nộ là cảm xúc chung của nhiều bạn đọc gửi về Báo Người Lao Động trước thông tin và hình ảnh về việc khắc chữ Việt lên di tích ở Nhật mà nghi vấn "thủ phạm" là người Việt Nam. Nhiều bạn đọc chỉ thẳng: "Chính là do thói quen bừa bãi ở nhà".
"Vì sao vài ký tự viết trên tảng đá trong khu di tích lịch sử lại trở thành vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật? Vì sao ở Việt Nam, hầu hết các công trình công cộng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đều ít nhiều bị những dòng chữ, hình thù xấu xí xâm hại nhưng không ai bị nhắc nhở, xử phạt, thậm chí được coi là bình thường? Trả lời 2 câu hỏi này thì sẽ tìm được đáp án vì sao chuyện viết, vẽ bậy vào nơi không được phép lại phổ biến đến vậy" - bạn đọc Hạ Trang đặt vấn đề.
Cùng quan điểm, bạn đọc Trung Cang nêu ngắn gọn: "Thói xấu trong nước không ngăn thì họ đem ra ngoài cũng là chuyện bình thường thôi".
Để có giải pháp hạn chế hành vi ứng xử thiếu ý thức đối với di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bạn đọc Mai Anh cho rằng vấn đề trước hết cần làm là nâng cao nhận thức của người dân. "Ý thức không tự dưng có mà phải thông qua giáo dục và áp dụng nghiêm khắc quy định của pháp luật. Đối với học sinh, đưa vào những bài học về ý thức cộng đồng, tình yêu, lòng tự hào đối với các di tích lịch sử, văn hóa; lòng tự trọng, tự tôn dân tộc... Đối với người lớn, bên cạnh việc tuyên truyền, quy định và chế tài pháp luật đã có, không thể nại bất cứ lý do gì để không thực hiện. Đặc biệt là sai phạm cần phải xử phạt đúng, thật sự nghiêm minh. Cùng với đó là phát huy vai trò của cộng đồng trong việc phát hiện sai phạm, từ đó góp phần nâng cao tính tự giác và ý thức của người dân. Phải bắt tay vào làm từ hôm nay, nếu còn chần chừ, nại khó thì chúng ta sẽ tiếp tục xấu hổ, thậm chí trả giá đắt" - bạn đọc Mai Anh cảnh báo.
V.Thư
Bình luận (0)